Chiêu chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của doanh nghiệp “ma”

Từ các vụ việc vi phạm đã bị khởi tố, Tổng cục Thuế tổng hợp một số hành vi vi phạm điển hình mà các đối tượng thường lợi dụng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, đặc biệt là thuế VAT.

Tổng cục Thuế mới đây đã có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản… có liên quan đến việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT).

Tổng cục Thuế cho biết cơ quan Hải quan qua đấu tranh với các hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam đã xác định một số công ty có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Trong đó, phần lớn các công ty liên quan đến vụ án là doanh nghiệp không có thật, một số doanh nghiệp do đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội.

Hiện tại, cơ quan Hải quan và Bộ Công an đã họp và thống nhất với Viện kiểm sát khởi tố vụ án về các tội buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Từ các vụ việc vi phạm kể trên, cơ quan quản lý thuế chỉ ra một số hành vi đặc trưng tội phạm sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Cụ thể, hành vi điển hình là một số doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau nhưng khi nhập khẩu thì một số doanh nghiệp khai báo giá trị rất thấp, đến khi xuất khẩu thì một số doanh nghiệp khác lại khai báo giá trị rất cao, chênh lệch lên tới hơn 50 lần giá trị.

Chiêu chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của doanh nghiệp “ma” kinhtetrithuc.vn
Linh kiện điện tử được xếp vào nhóm hàng hóa có độ rủi ro cao liên quan gian lận hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT). Ảnh: Strange Parts

Một trường hợp khác là các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp có giá trị rất cao, trong đó mỗi lô hàng chỉ có trọng lượng từ vài kg cho tới vài chục kg nhưng khai báo giá trị lên tới vài tỷ hoặc vài chục tỷ đồng.

Theo cơ quan quản lý thuế, việc này tiềm ẩn rủi ro về mua hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng linh kiện điện tử đều không có địa chỉ đăng ký kinh doanh, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế…

Các đối tượng cũng thường sử dụng hành vi chuyển tiền qua lại trong việc mua bán hàng hóa. Cụ thể, các công ty xuất khẩu chuyển khoản tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho F1 hoặc chuyển khoản trực tiếp cho F1 tùy điều kiện hợp đồng. Sau đó, lại tiếp tục chuyển khoản cho các Công ty F2; các cá nhân ở Công ty F2 lại tiếp tục rút tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cá nhân không phải là doanh nghiệp mua hàng của F2 để nộp tiền vào tài khoản của Công ty F2 hoặc F1.

Ngoài ra, hồ sơ xuất khẩu hàng hóa như hợp đồng, hóa đơn, sổ kế toán, chứng từ thanh toán không khớp đúng với bản chất kinh tế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Các doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử thực chất không thực hiện giao dịch với nước ngoài mà chỉ nhận phí hoa hồng đối với dịch vụ xuất khẩu. Và doanh nghiệp mua hàng (bên nhập khẩu) không tồn tại hoặc là doanh nghiệp bất hợp pháp tại nước ngoài.

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao (linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản…).

Khi thanh tra về hoàn thuế VAT, cơ quan quản lý thuế địa phương cần thực hiện đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật để phát hiện hành vi vi phạm (nếu có) và xử lý.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện thu thập đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm đến cơ quan Công an theo quy định.

Theo Zing