Choáng với doanh thu, hiệu ứng kinh tế của bom tấn Squid Game
Bộ phim bom tấn “Squid Game” (Trò chơi con mực) của Netflix có doanh thu ước tính 900 triệu USD cùng hiệu ứng kinh tế khổng lồ, trong khi chỉ mất hơn 21 triệu USD để sản xuất.
Doanh thu khủng
“Trò chơi con mực” – bộ phim ăn khách nhất lịch sử của Netflix – ước tính thu về gần 900 triệu USD, Bloomberg trích dẫn số liệu từ một tài liệu nội bộ của Netflix cho biết. Cũng theo Bloomberg, chi phí sản xuất bộ phim chỉ ở mức 21,4 triệu USD.
Bộ phim sinh tồn bạo lực dài 9 tập của Netflix kể về những con người tuyệt vọng cạnh tranh trong những trò chơi chết người để giành khoản tiền chiến thắng lên tới 45,6 tỉ won (hơn 38 triệu USD). Bộ phim đã thu hút khán giả toàn cầu kể từ khi ra mắt vào tháng 9.
Theo báo cáo, khoảng 132 triệu người đã xem ít nhất hai phút của bộ phim trong 23 ngày đầu tiên, dễ dàng phá vỡ kỷ lục do bộ phim cổ trang “Bridgerton” của Anh lập được là 82 triệu tài khoản người xem trong 28 ngày đầu tiên.
Netflix trước đó thông báo rằng bộ phim đã thu hút được 111 triệu người hâm mộ, nhưng Bloomberg cho biết những con số này dựa trên dữ liệu cũ hơn một chút.
“Squid Game” cũng là bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên giành được vị trí hàng đầu trên Netflix tại Mỹ, và thậm chí còn thúc đẩy mọi người quan tâm đến việc học tiếng Hàn.
Tại Trung Quốc, nơi Netflix không khả dụng nếu không có VPN, một tiệm bánh ở Bắc Kinh đã giới thiệu thử thách tách kẹo như trong phim tại cửa hàng của mình.
“Trò chơi con mực” thậm chí còn nhận được những bình luận tích cực từ người sáng lập Amazon Jeff Bezos, khi vị tỉ phú nhận xét bộ phim này “ấn tượng và đầy cảm hứng”. Dịch vụ phát trực tuyến Prime Video của Amazon cạnh tranh với Netflix.
Hiệu ứng kinh tế khổng lồ
Trên thực tế, đi kèm với thành công của những bộ phim truyền hình Hàn Quốc là hiệu ứng kinh tế trị giá hàng tỉ USD. Chẳng hạn, bộ phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời” ra mắt năm 2016 được ước tính đã mang lại hiệu ứng kinh tế hơn 2,5 tỉ USD, theo KBS.
Bên cạnh lợi nhuận của nhà sản xuất và ekip thực hiện, các sản phẩm ăn theo được nhiều người săn đón, địa điểm xuất hiện trong phim trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Với trường hợp của “Trò chơi con mực”, trang phục và đồ ăn đang trở thành cơn sốt toàn cầu.
Trước thềm lễ hội hóa trang Halloween, bộ đồ thể thao màu xanh lá cây của người chơi hay mặt nạ, đồng phục màu hồng của các “tên lính giám sát” trong phim đang rất đắt hàng.
Ngoài ra, bộ kit làm kẹo đường dalgona cũng đang được bán với giá 26 USD. Đồ nhậu theo kiểu “trò chơi con mực” bằng cách ăn sống mì ăn liền ramyeon nhâm nhi với rượu soju như các nhân vật trong phim thay vì nấu chín rồi ăn. Bộ phim đang tạo ra xu hướng ẩm thực Hàn Quốc K-food mới, giống như bộ phim “Ký sinh trùng” từng tạo nên trào lưu mì ăn liền trộn jjapaguri với thịt bò.
Dù rất khó dự đoán con số chính xác vào thời điểm hiện tại, song “Trò chơi con mực” được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng kinh tế khổng lồ.
Là người hưởng lợi nhất từ thành công của Squid Game, nền tảng dịch vụ truyền hình OTT lớn nhất thế giới Netflix đã thu hút nhiều thuê bao mới và chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt. “Trò chơi con mực” giúp cổ phiếu của Netflix tăng 10 tỉ USD giá trị vốn hóa chỉ trong hai tuần kể từ khi bộ phim được phát hành, đạt mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, đã có những vấn đề tranh cãi xung quanh Netflix, theo KBS. Netflix sử dụng dịch vụ mạng Internet qua nhà cung cấp viễn thông Hàn Quốc SK Broadband. Theo đó, SK đã gửi đơn kiện và yêu cầu Netflix phải trả chi phí phát sinh do lưu lượng truy cập tăng đột biến tại Hàn Quốc trong thời gian qua. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước đã phàn nàn về chính sách “phân biệt đối xử” khi họ phải trả phí sử dụng mạng còn Netflix thì không.
Trong cuộc kiểm toán gần đây của Quốc hội Hàn Quốc, Netflix cũng bị chỉ trích vì trốn thuế bằng cách cố tình báo cáo giảm lợi nhuận kinh doanh so với thực tế và chuyển 77% doanh thu tại Hàn Quốc sang trụ sở chính ở nước ngoài dưới dạng tiền hoa hồng.
Theo Lao động