Phó Chủ tịch Nike từ chức sau khi con trai khoe lấy hàng của mẹ bán
Tập đoàn Nike ngày 1/3 vừa ra thông báo về việc từ chức của bà Ann Hebert – Phó Chủ tịch tập đoàn kiểm Tổng Giám đốc chi nhánh Bắc Mỹ của Nike.
“Bà Ann Hebert đã quyết định từ chức. Chúng tôi cảm ơn bà với hơn 25 năm đóng góp cho tập đoàn và chúc bà nhiều điều tốt đẹp”, CNN dẫn thông cáo cáo chí của Nike ngày 1/3.
Bà Ann từ chức sau chưa đầy một năm tiếp quản từ người tiền nhiệm. Vào thời điểm nhậm chức, bà Heidi O’Neil – Chủ tịch phụ trách người tiêu dùng và thị trường của Nike – nhấn mạnh vai trò của bà Hebert là “cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sáng tạo nhất, các dịch vụ và trải nghiệm hấp dẫn nhằm mang lại sự tăng trưởng bền vững lâu dài cho thương hiệu Nike”.
Nhiều người suy đoán rằng việc nữ lãnh đạo cấp cao của Nike từ chức là do liên quan đến một bài báo gần đây đăng trên trang mạng Bloomberg phỏng vấn Joe Hebert – người con trai 19 tuổi của bà Ann. Trong bài phỏng vấn, Joe tiết lộ “nếu như biết đúng người, thì có thể tiếp cận những mặt hàng mà người bình thường không thể tiếp cận được”.
Bên cạnh đó, Joe tiết lộ rằng anh có sử dụng bot – công cụ phần mềm gian lận để tranh mua giày nhanh hơn cú bấm của con người. Còn bà Ann Hebert chịu trách nhiệm quản lý ứng dụng SNKRS – nơi những người sưu tầm giày phiên bản giới hạn của Nike canh mua trực tuyến và chúng thường hết ngay sau khi vừa mở bán.
Hiện Joe đang là chủ của thương hiệu thời trang West Coast Streetwear. Để xác thực lợi nhuận mà công ty kiếm được, Joe đã cung cấp các tài liệu liên quan đến thanh toán tín dụng. Tuy nhiên, người đứng tên giao dịch trong các văn bản này là tên của bà Ann Hebert chứ không phải tên của Joe.
Với thẻ tín dụng của bà Ann, Joe có thể mua những đôi giày thể thao phiên bản giới hạn của Nike và bán lại với giá cao hơn. Trên các trang mạng xã hội, Joe còn khoe khoang số tiền lợi nhuận kiếm được đủ mua xe của hãng BMW.
Bà Ann Hebert đã không bình luận về bài viết của Bloomberg Businessweek nhưng đại diện của Nike cho bà đã cung cấp thông tin liên quan về hoạt động kinh doanh của con trai cho Nike vào năm 2018. Nike cho biết khi đó bà Hebert không vi phạm “chính sách công ty, thông tin đặc quyền hoặc xung đột lợi ích” với công ty.
Thực tế Nike không cho phép các nhân viên tham gia vào việc bán lại giày. Việc canh sẵn để mua giày giá gốc, sau đó bán lại ra thị trường chợ đen với giá cao là cấm kỵ. Trong khi đó nhu cầu mua những đôi giày phiên bản giới hạn ngày càng tăng, nhiều nhà sưu tầm thậm chí sẵn sàng trả mức giá gấp nhiều lần để sở hữu những đôi giày hiếm và Nike là một trong những thương hiệu được săn lùng nhiều nhất.
Theo Afamily