1,3 triệu người Mỹ có số phận giống Britney Spears

Sau khi “Framing Britney Spears” và “I Care a Lot” phát sóng, quyền giám hộ trở thành đề tài nhức nhối trên toàn nước Mỹ.

“Thật khó để quên đi Framing Britney Spears, bộ phim tài liệu phản ánh quyền giám hộ kéo dài của ngôi sao nhạc pop, mà không giải đáp rõ ràng một số khúc mắc còn bỏ ngỏ”, Leslie Salzman, giáo sư luật lâm sàng tại trường Luật Benjamin N. Cardozo thuộc Đại học Yeshiva đặt câu hỏi.

Tại sao luật pháp cản trở quyền tự chủ của người phụ nữ trưởng thành có trong tay album ăn khách, những chuyến lưu diễn dài hạn và giải thưởng uy tín trong suốt hơn một thập kỷ? Và nếu ai đó có tiền, danh tiếng và tuổi trẻ tương tự Britney Spears nhưng vẫn bị giám hộ, việc đó sẽ nói lên điều gì?

1,3 triệu người Mỹ đang bị giám hộ

Tuy toàn bộ sự thật về quyền giám hộ của Britney Spears không thể hiện hết trong phim tài liệu, Framing Britney Spears vẫn nêu lên những điểm quan trọng về quyền giám hộ và sự thiếu minh bạch từ những “hợp đồng” giữa bệnh nhân và người được bảo hộ.

Sau phim tài liệu của The New York Times, bộ phim I Care a Lot do Netflix sản xuất với nội dung khai thác góc tối của những cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật mà bòn rút tiền bạc của người được giám hộ lần nữa làm dấy lên làn sóng tranh cãi. Những lo ngại, câu hỏi về quyền giám hộ trên nước Mỹ càng được công chúng chú ý.

Theo nghiên cứu, quyền giám hộ đang ảnh hưởng đến khoảng 1,3 triệu người trưởng thành trên khắp nước Mỹ. Theo luật pháp tiểu bang, việc một người được giám hộ hay không thường do tòa án chỉ định. Những người được cho là “mất năng lực”, thường là do thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần hoặc suy giảm nhận thức sẽ chính thức chịu quyền giám hộ.

1,3 triệu người Mỹ có số phận giống Britney Spears - ảnh 1
Britney Spears chính thức bị quản thúc từ năm 2008, đến nay đã 13 năm.

Ngày nay, ở nhiều bang, tòa án cho rằng phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng khi ra quyết định giám hộ ai đó để duy trì quyền tự chủ tối đa cho thân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế, những vấn đề xác định “người mất năng lực” chỉ làm qua loa, dựa vào kết quả sẵn có của cơ sở y tế.

Theo truyền thống, quyền giám hộ được xem là một cơ chế bảo vệ. Tuy nhiên, hệ thống giám hộ đang bị vấy bẩn bởi nền văn hóa mang tên chủ nghĩa gia đình. Do đó, nhiều tòa án vẫn sai lầm trong việc cấp đơn yêu cầu giám hộ.

Thẩm phán thường đưa ra phán quyết nhưng không xem xét đầy đủ quyền lợi của người được giám hộ, bao gồm các quyền cơ bản như truy cập tài khoản ngân hàng, nơi sinh sống, các quyền lợi y tế…

Hơn nữa, một khi bị giám hộ, họ gần như không thể ra ngoài hay tự quyết định cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, quyền giám hộ được áp dụng để giải quyết khủng hoảng của một cá nhân nào đó. Khác ở chỗ, giám hộ có tác động dai dẳng hơn và thường kéo dài vô thời hạn.

Điều này công chúng bắt gặp ở Britney Spears.

Rắc rối trong hệ thống giám hộ

Cho đến khi cha con nhà Spears dẫn nhau ra tòa, giọng ca Criminal không thể có cho mình quyền quản lý tài chính riêng hoặc tạo ra quỹ tín thác để hỗ trợ tài chính. Điều đáng nói, đây là quyền cơ bản mà bất cứ công dân giàu có nào trên đất Mỹ cũng được hưởng. Tất nhiên, đó là khi họ chưa bị giam cầm bởi thứ được cho là “quyền giám hộ”.

Thực tế nhiều người bị giám hộ không hề có chỉ dẫn hay lời khuyên từ người ngoài để thoát khỏi điều khó khăn này. Người yêu cầu chấm dứt hợp đồng phải chứng minh được rằng họ đã lấy lại năng lực và không cần phải giám sát nữa. Nhưng một khi người giám hộ lên tiếng, tỷ lệ thành công để “thoát khỏi xiềng xích giám hộ” không cao.

Bộ phim tài liệu của The New York Times cũng tiết lộ các rủi ro tiềm ẩn của việc bị giám sát, lớn nhất là về mặt tài chính. Đặc biệt khi người được giám hộ có khối tài sản lớn – giống Britney Spears – sẽ phải chi cho nhiều người, từ người bảo quản, luật sư của hai bên, chuyên gia do tòa án chỉ định…

1,3 triệu người Mỹ có số phận giống Britney Spears - ảnh 2
Quyền giám hộ gây ra nhiều rắc rối cho Britney Spears và nhiều người dân Mỹ.

Ngay cả Văn phòng Giải trình của Chính phủ Mỹ cũng công nhận đây là vấn đề khá nghiêm trọng, vì số tiền của người được bảo quản cứ thế vơi đi nhưng họ không thể làm được gì.

Một vấn đề nhức nhối khác là các thủ tục giám hộ không rõ ràng. “Các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư đôi khi được lập ra chỉ để chống lại người được giám hộ”, chuyên gia nhấn mạnh.

Trong phim tài liệu, luật sư hiện tại của Britney Spears cho biết ban đầu cô không được chỉ định người đại diện chỉ vì toà án phán quyết “cô không có đủ năng lực để tự chọn luật sư riêng”. Tòa án chỉ dựa vào một báo cáo y tế và bỏ qua nhiều yếu tố lớn khác.

Trong những trường hợp này, các biện pháp “giám hộ bí mật” đã ngầm hoạt động để hạn chế khả năng của người được giám hộ, bao gồm việc họ không thể chọn luật sư cho riêng mình.

Để hạn chế kiện tụng trong quá trình giám hộ và đi đến thỏa thuận đôi bên đều có lợi, nhiều tiểu bang bắt đầu ra luật riêng. Họ cho phép người được giám hộ lựa chọn, làm việc với người mà họ tin tưởng hơn là chỉ định chuyên gia sẵn có hoặc người thân trong gia đình. Song song đó, tòa án sẽ đưa ra nhiều lựa chọn khả thi khác trước khi quyền giám hộ được thông qua.

Nếu mọi nỗ lực về sự tự chủ, thỏa thuận không được thông qua và quyền giám hộ vẫn được áp dụng thì nó sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Nhiều người cho rằng quyền bảo quản chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Khôi phục quyền tự do cá nhân của người bị giám hộ là mục tiêu lớn nhất, các quy trình cũng nên tối giản nhất hết mức có thể.

“Việc được có tiếng nói và quyết định cuộc sống của chính mình là quyền quý giá của con người. Hy vọng rằng Framing Britney Spears hay I Care a Lot sẽ thúc đẩy sự tôn trọng quyền tự chủ và tự quyết của cá nhân”, giáo sư luật lâm sàng tại trường Luật Benjamin N. Cardozo thuộc Đại học Yeshiva nhấn mạnh.

Theo Zing