Những hàng hóa nào bị ảnh hưởng nặng khi tàu khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez?
Nếu con tàu 224.000 tấn Ever Given không sớm được “giải cứu” khỏi tình trạng mắc kẹt, người dùng trên toàn cầu sẽ nhanh chóng chứng kiến sự thiếu hụt của hàng loạt mặt hàng.
Vụ mắc kẹt ảnh hưởng đến “bất cứ thứ gì bạn thấy trên kệ hàng”, Lars Jensen – chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải nói với NBC News.
Khoảng 12% giao thương toàn cầu vận chuyển qua kênh đào Suez – con kênh nối liền châu Á và châu Âu. Hàng trăm tàu thuyền khác đang không thể di chuyển qua tuyến đường này do vụ mắc kẹt của tàu Ever Given.
Thực tế từ trước khi vụ mắc kẹt hy hữu này xảy ra, thế giới đã đối mặt với một vài cơn khủng hoảng nguyên liệu, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nike, Cosco, Toyota, Honda và Samsung đều cho biết tình trạng thiếu nguồn cung đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Sự việc vừa xảy ra khiến cho tình trạng thiếu hụt trở nên trầm trọng hơn. Chuyên gia cho biết vụ mắc kẹt đang thổi bay 400 triệu USD mỗi giờ và có thể phải mất nhiều tuần để giải cứu con tàu. Một vài con tàu buộc phải chọn tuyến đường thay thế bằng cách vòng qua châu Phi, khiến hải trình của họ kéo dài thêm 15.000 dặm và khoảng 2 tuần di chuyển.
Thêm một cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh?
Một trong những nhà sản xuất bột gỗ (dùng để làm giấy vệ sinh) lớn nhất thế giới, Suzano SA nói với Bloomberg rằng vụ mắc kẹt ở kênh đào Suez có thể khiến việc vận chuyển bột gỗ bị ảnh hưởng, gây tình trạng thiếu giấy vệ sinh trên các kệ hàng.
Suzano đang sản xuất khoảng 1/3 lượng bột gỗ toàn cầu. CEO hãng này là Walter Schalka cho biết tình trạng thiếu container, kết hợp với vụ mắc kẹt tàu ở kênh đào Suez có thể khiến các đơn hàng của họ bị chậm ít nhất 1 tháng.
Cơn khủng hoảng giấy vệ sinh và hàng hoá tiêu dùng từng xảy ra thời điểm dịch Covid bùng phát. Rất có thể, người dùng toàn cầu sẽ sớm phải đối mặt tình trạng tương tự.
Nguồn cung cà phê bị ảnh hưởng
Vụ mắc kẹt cũng sẽ ngăn những con tàu chở đủ loại nguyên liệu dùng trong loại cà phê uống liền của Nescafe, theo Bloomberg.
Người dân châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng này trước tiên, nhưng nó cũng sớm lan ra toàn thế giới do kênh đào Suez là tuyến đường chính để vận chuyển cà phê từ Việt Nam sang châu Âu.
Các cửa hàng và quán cà phê sẽ sớm cảm nhận được sự thiếu hụt này. “Liệu họ có chịu được tình trạng chậm trễ hàng hoá 2-3 tuần. Tôi nghĩ là không”, Raphaelle Hemmerlin – trưởng bộ phận logistic của hãng kinh doanh cafe Thuỵ Sĩ Sucafina SA nói.
Kinh doanh nội thất chịu ảnh hưởng lớn
Ảnh hưởng bởi đại dịch, người dân làm việc tại nhà nhiều hơn mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho ngành công nghiệp nội thất. Tuy nhiên, người dùng thì không được vui vẻ như vậy khi các đơn hàng của họ bị trì hoãn nhiều tháng.
Tại Mỹ, nhiều người cho biết họ phải đợi 5-9 tháng để nhận hàng sau khi đặt mua. Tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez chỉ khiến mọi việc thêm tồi tệ. “Rất nhiều sản phẩm nội thất của chúng tôi được làm thủ công và yêu cầu hàng loạt linh kiện. Chỉ cần thiếu một phần thì quá trình sản xuất đều bị đình trệ”, Dan Flickinger – CEO của chuỗi nội thất Kasala (Seattle, Mỹ) nói.
Giá xăng sẽ tiếp tục tăng
Giá xăng đã tăng mạnh trong tháng trước do nhu cầu tăng trong khi OPEC giảm sản lượng. Vụ tắc nghẽn này có thể đẩy giá xăng lên cao hơn nữa.Vận chuyển dầu thô qua kênh đào Suez chiếm 5-10% lượng vận chuyển toàn cầu, theo David Fyle – nhà kinh tế học tại Argus Media.
Theo: Business Insider, Doanh nghiệp và Tiếp thị