Thị trường khách sạn Việt Nam phải phòng thủ đến hết 2021

Làn sóng Covid-19 thứ hai được xem đã đập tan hy vọng về sự phục hồi nhanh của ngành du lịch và khách sạn Việt Nam trong năm 2020.

Theo báo cáo mới công bố về thị trường khách sạn, CBRE Việt Nam nhận định kết quả hoạt động của ngành khách sạn trong quý III sẽ không có biến chuyển so với quý II vì Việt Nam đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai và nhiều thành phố, địa phương trên cả nước đang thiết lập cách ly xã hội để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

“Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc CBRE Hotels Việt Nam đánh giá.

Số liệu cho thấy doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường khách sạn Việt Nam phải phòng thủ đến hết 2021 kinhtetrithuc.vn

Doanh thu trên mỗi phòng cho cả Việt Nam trong cùng kỳ cũng ghi nhận mức giảm tương tự khoảng 55%. Công suất phòng giảm sút nghiêm trọng trong tháng 4, giai đoạn diễn ra cách ly xã hội, và bắt đầu được cải thiện trong tháng 5 và tháng 6 nhờ vào lượng khách nội địa bắt đầu du lịch trở lại.

Tuy nhiên, đối với thị trường khách sạn cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM, do phụ thuộc đáng kể vào nguồn khách quốc tế nên công suất phòng tại hai thị trường này chỉ tăng 1-1,5% mỗi tháng. Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.

Sau nhiều năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng, Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong sáu tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tạm dừng các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 3, vì vậy lượng khách quốc tế đến giảm gần 99% chỉ trong quý II.

Du khách nội địa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020. Thị trường du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc hơn từ tháng 6 với việc ghi nhận tổng lượt khách gia tăng gấp 2,3 lần so với tháng 5.

Thị trường khách sạn Việt Nam phải phòng thủ đến hết 2021 kinhtetrithuc.vn 1

Trong bối cảnh chưa thể đi du lịch nước ngoài, nhiều người Việt lựa chọn những điểm đến trong nước nhằm hỗ trợ ngành du lịch địa phương. Những điểm đến có thể dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ như Sapa, Hạ Long ở miền Bắc hoặc Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt ở miền Nam đã đặc biệt hưởng lợi từ phục hồi trong các tháng hè vừa qua.

Về thị trường đầu tư, nhiều tập đoàn/quỹ đầu tư đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, theo quan sát chung, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như vậy ở phân khúc 4-5 sao mà chủ yếu tập trung ở phân khúc thấp. Song song đó nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam đánh giá các nhà đầu tư đang có tâm lý rất phòng thủ, tích cực tích lũy tiền mặt vì các kênh kinh doanh khác của họ đều bị ảnh hưởng. Một nhóm khách hàng khác là các quỹ đầu tư nước ngoài cũng không thể đến Việt Nam vào thời điểm này để mua tài sản.

Chính vì vậy, trên thị trường hiện nay, người đầu tư chỉ mua từ những người thực sự có nhu cầu bán với giá thấp. Các khách hàng có nhu cầu mua lại khách sạn vào thời điểm này đang có sẵn nguồn tiền mặt lớn, tận dụng thời điểm thị trường giảm giá mạnh để mua vào.

Theo Zing