Ngân hàng đối mặt rủi ro kép: Chốt chặn bàn tay thao túng của đại gia

Kinhtetrithuc.vn – Rủi ro quản trị và thanh khoản là hai rủi ro chính đối với ngành ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể nhờ những thay đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024.

Hai rủi ro khiến ngân hàng dễ bị tổn thương hơn

Trong báo cáo “Nhận định thị trường ngành ngân hàng” mới công bố, VIS Rating cho biết rủi ro quản trị và thanh khoản là hai rủi ro chính cho ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Chuyên gia phân tích của VIS Rating nhận định: “Từ những sự kiện gần đây, chúng tôi nhận thấy rủi ro quản trị phát sinh khi các cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng và trong các tập đoàn – ví dụ như cổ đông hoặc thành viên Hội đồng quản trị, từ đó có thể chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân.

Những mối liên kết chặt chẽ này gây ra rủi ro hoạt động và khiến ngân hàng dễ bị tổn thương hơn khi các tập đoàn lớn gặp vấn đề, tác động tới tâm lý thị trường và tạo nên các đợt rút tiền gửi hàng loạt của khách hàng”.

Dẫn chứng cho nhận định này, đại diện VIS Rating đã nhắc lại vụ việc liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vào tháng 10/2022, tin tức về việc bắt giữ chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đã khiến các khách hàng đồng loạt rút tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) – ngân hàng mà chủ tịch Vạn Thịnh Phát kiểm soát hơn 90% vốn cổ phần.

Người dân đến rút tiền gửi ồ ạt tại SCB đặc biệt trong 5 ngày đầu, khiến ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản. Việc rút tiền gửi tại SCB cũng khiến nhiều ngân hàng đồng loạt rút vốn trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên quân hàng tăng mạnh và gây ra căng thẳng thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát từng kiểm soát hơn 90% vốn cổ phần của SCB.

Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Toàn cầu (GP Bank) vào năm 2015 cũng gặp sự cố khi bị chi phối bởi một số ít cổ đông giống như SCB.

“Hoạt động của ngân hàng bị chi phối bởi một số ít cổ đông, và các ngân hàng tăng mạnh tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản và các dự án liên quan tới các cổ đông này. Do sự suy giảm năng lực tài chính của các doanh nghiệp liên quan và dự án của họ, ngân hàng đã phải gánh chịu nợ xấu tăng mạnh và thua lỗ kéo dài, cuối cùng dẫn tới việc mất thanh toán”, đại diện VIS Rating chia sẻ với VietnamFinance.

Có sửa đổi song vẫn còn bất cập

Chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng những thay đổi của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 sẽ giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng cũng như củng cố thêm kỳ vọng về sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 đã bổ sung các tiêu chí rõ ràng về khả năng thanh khoản của ngân hàng, bao gồm tình huống rút tiền hàng loạt, cho phép NHNN can thiệp sớm để ổn định hệ thống. Các quy định mới cũng làm rõ hơn quyền hạn của NHNN trong việc xử lý các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông, và yêu cầu công bố thông tin minh bạch hơn nhằm cải thiện quản trị rủi ro và tập quán kinh doanh.

Song, trong báo cáo “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” công bố ngày 26/8, đại diện World Bank Việt Nam (WB) chỉ ra dù đã có nhiều sửa đổi nhưng Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 vẫn còn nhiều bất cập, nhất là Luật chưa thực sự củng cố việc giám sát hợp nhất các tập đoàn, nhất là ở các ngân hàng liên kết chặt chẽ với lĩnh vực bất động sản.

Thực tế, kể từ khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 1/7/2024), các ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, trong đó có nhiều “đại gia” bất động sản.

Cá biệt như Ngân hàng MSB, 5 trên tổng số 9 cổ đông nắm giữ hơn 1% cổ phần ngân hàng này là các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản. Hay như trong danh sách 20 cổ đông nắm giữ hơn 1% vốn của OCB, có tới 3 doanh nghiệp bất động sản và chiếm tổng cộng 10,87% vốn của ngân hàng.

Ngoài ra, WB còn chỉ ra các nội dung khác cần cải thiện, bao gồm xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng, cũng như phòng vệ pháp lý cho cán bộ giám sát.

“Chẳng hạn như NHNN chưa có đủ thẩm quyền và công cụ xử lý để xử lý những ngân hàng không còn khả năng tồn tại. Ưu tiên đặt ra là cần tăng cường nhiệm vụ của NHNN về những nội dung đó trong những cải cách pháp luật sắp tới cho khu vực tài chính, bao gồm thông qua sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, đại diện WB cho hay.

Theo vietnamfinance

Xem thêm: