Vụ 600 loại sữa giả: ‘1 mâm 5 người quản’ nhưng sai phạm không ai chịu trách nhiệm

Kinhtetrithuc.vn – “Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào trong vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả, cùng với đó đề nghị chấm dứt thực trạng một mâm 5 người quản lý”, theo nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Xử lý nghiêm, tránh “một mâm 5 người quản lý”

Ngày 17/4, tại Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 3 khóa 10 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái sau vụ việc phát hiện gần 600 loại sữa giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm chức năng lừa dối người tiêu dùng.

Cụ thể, Bà Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị, cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm cho những vụ việc như trên, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”.

Bà Doan đặt câu hỏi, Bộ Công thương nói không thuộc đối tượng quản lý, vậy khi gần 600 loại sữa giả được bày bán trên thị trường ai là người quản lý?

“Chưa kể, ai chịu trách nhiệm việc các cháu mua 5.000-10.000 đồng/xiên thịt bán ở cổng trường?. Thịt bẩn hay thịt sạch?. Đây là vấn đề nổi lên hiện nay và cần phải làm rõ”, nguyên Phó chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ảnh: Mattran.org.vn

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các công ty quảng cáo sữa có thành phần tinh chất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó…nhưng thực tế khi kiểm tra, kiểm nghiệm thì hoàn toàn không có.

Bên cạnh đó, những nhân vật có tiếng trong showbiz, các KOL quảng cáo rất rầm rộ, thổi phồng công dụng, tiếp tay cho việc ‘lừa dân’ đến 4 năm liền.

Do đó, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị cần phải lên án, chấm dứt vấn đề này và kiến nghị các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh.

600 loại sữa giả: Trách nhiệm của tất cả các bên

Chia sẻ với VietnamFinance, đại diện một DN chuyên nhập khẩu sữa và phân phối sửa chính hãng cho rằng, vụ việc gần 600 nhãn sữa giả được cơ quan chức năng phanh phui những ngày qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các thương hiệu sữa uy tín cũng như sản phẩm sữa nhập khẩu nguyên lon từ nước ngoài.

Theo vị này, trên thị trường hiện nay chủ yếu có các nhóm sữa chính bao gồm: sữa nhập khẩu nguyên lon từ nước ngoài, các hãng sữa ngoại tại Việt Nam có đại diện sản xuất hoặc sản xuất ở một nước thứ ba rồi xuất sang Việt Nam, các thương hiệu sữa sản xuất nổi tiếng trong nước như Vinamilk, TH Milk, Nutifood…và các dòng sữa do các DN tại Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về và sản xuất tại Việt Nam giống như gần 600 thương hiệu sữa giả mới bị phát hiện.

“Hiện thị trường còn rất nhiều các nhãn sữa giả hay còn gọi là “sữa cỏ””, vị đại diện khẳng định. Ngoài ra còn một số nguồn hàng sữa theo diện hàng “xách tay”, tuy nhiên cũng không thực sự đảm bảo nguồn gốc và chất lượng.

Một trong gần 600 nhãn sữa giả là sản phẩm dinh dưỡng y học dành cho người bị tiểu đường

Vị đại diện này cũng nêu quan điểm, sự việc hàng trăm thương hiệu sữa giả được bày bán công khai qua các kênh, đến tay người tiêu dùng suốt 4 năm liền, thu lợi 500 tỷ đồng mà không bị phát hiện sớm là trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan.

Bộ Y tế, cụ thể là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm là đơn vị cấp phép, nhưng thiếu khâu hậu kiểm trên thực tế. Một số sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung, TP chức năng, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường mà không qua khâu thẩm định hay kiểm nghiệm độc lập. Nếu không có hậu kiểm nghiêm túc, điều này vô tình tiếp tay cho các sản phẩm giả, kém chất lượng “hợp pháp hóa” giấy tờ.

Tiếp đến, khâu quảng cáo đến tay người tiêu dùng thì đều “thần thánh” hoá công dụng, không đúng với nội dung quảng cáo được cấp phép, tự ý cho mình là sản phẩm tốt nhất, so sánh với các sản phẩm thực phẩm chức năng khác, vi phạm Luật Quảng cáo, trách nhiệm thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông cũ (nay chuyển chức năng về Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch).

“Các sản phẩm giả, kém chất lượng thường sẽ khó quảng cáo được trên các kênh báo chí chính thống, nhưng lại dễ dàng đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thông qua người nổi tiếng, KOL…”, vị này nói thêm.

Cuối cùng, khi sản phẩm hàng hoá lưu hành trên thị trường, thì trách nhiệm phải thuộc về Quản lý thị trường của Bộ Công thương.

Vị đại diện DN quan ngại, đang tồn tại kẽ hở trong quản lý các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học. Đồng thời pháp luật hiện nay cũng chỉ có Nghị định hướng dẫn thi hành, chưa có Thông tư, văn bản dưới luật quy định quyền và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước.

Trước đó, khi được hỏi về trách nhiệm liên quan đến vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phát hiện, Bộ Công thương khẳng định chỉ chịu trách nhiệm quản lý các loại sữa chế biến thông thường. Đối với các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt do Bộ Y tế quản lý.

Còn Bộ Y tế nói rằng, hiện chỉ tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các sản phẩm khác đã phân cấp về cho các địa phương quản lý (giao cho Sở Công Thương, và Sở Y tế). Công tác hậu kiểm thì chỉ xây dựng kế hoạch, hướng dẫn.

Mới đây, ngày 17/4 theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế TP. Hà Nội, trong gần 600 loại sữa giả cơ quan công an thông tin, qua rà soát có 71 sản phẩm được đăng ký công bố tại Hà Nội.

Chi cục này nói, từng kiểm tra các mẫu của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group nhưng chưa phát hiện vi phạm và xử phạt.

Theo Xuân Thạch / VietnamFinance

Xem thêm: