5 bước giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất

Những khoản nợ dai dẳng luôn khiến bạn lo lắng. Vậy làm thế nào để giải quyết chúng mà vẫn đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày?

Suy nghĩ về lý do mắc nợ

Hãy dành thời gian suy nghĩ về nguyên nhân khiến bạn rơi vào tình trạng nợ nần hiện tại. Bạn đã tiêu tốn tiền bạc vào những gì? Đâu là khoản chi lớn nhất?

Bạn sẽ nhận ra mình đã “vung tay quá trán” ở những khoản mục nào. Từ đó thay đổi thói quen chi tiêu phù hợp.

Tuy nhiên, không phải hầu hết mọi người mắc nợ đều do tiêu xài “quá đà”. Đôi khi, những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống như ốm đau, thất nghiệp… có thể là nguyên nhân khiến bạn rơi vào tình cảnh khó khăn về tiền bạc.

5 bước giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi nợ nần - Ảnh 1.

Không phân chia ngân sách hợp lý, thiếu sự chuẩn bị tài chính dự phòng cho bản thân là vấn đề khiến nhiều người lâm vào thế bị động, phải vay mượn tiền bạc khi gặp những tình huống mình không thể lường trước.

Suy nghĩ về những lý do khiến bạn mắc nợ sẽ không khiến bản thân cảm thấy tồi tệ hay áp lực hơn. Thay vào đó, nó giúp bạn thay đổi theo hướng tích cực, ngăn chặn điều tương tự có thể tái diễn trong tương lai.

Thay đổi thói quen chi tiêu

Trước tiên, cần nắm rõ thói quen chi tiêu của bản thân bằng cách ghi chép, kiểm soát các khoản thu chi một cách chi tiết. Bạn sẽ biết chính xác dòng tiền của mình đang được sử dụng như thế nào.

Ghi chép thường xuyên sẽ giúp bạn hiểu được thói quen chi tiêu của bản thân. Bạn thường chi nhiều tiền cho những khoản mục nào? Đâu là khoản chi lớn nhất trong danh mục? Số tiền tiết kiệm hàng tháng là bao nhiêu?

Bạn chắc chắn sẽ nhận ra một vài thói quen chi tiêu không tốt khiến bản thân lãng phí một số tiền đáng kể như mua sắm quá nhiều quần áo, thường xuyên ăn ngoài tiệm, hay tụ tập bạn bè… Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng, xem xét cắt giảm những khoản chi không cần thiết.

5 bước giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi nợ nần - Ảnh 2.

Chi tiêu không có kế hoạch là nguyên nhân thường thấy dẫn đến phá sản, nợ nần. Do đó, nên học cách quản lý tiền bạc và chi tiêu phù hợp với điều kiện và nhu cầu của bản thân.

Bước đầu tiên để tạo thói quen chi tiêu khoa học là lập ngân sách. Việc này giúp tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả hơn bằng cách tận dụng tối đa số tiền của mình.

Các khoản chi sẽ được phân chia thành từng danh mục cụ thể như chi phí cần thiết (ăn uống, đi lại, thuê nhà…), tiết kiệm, đầu tư… với hạn mức chi phí nhất định. Nghiêm túc thực hiện theo ngân sách đã đặt ra, bạn sẽ dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính trong thời gian sớm nhất.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu, mỗi người sẽ có cách phân chia ngân sách khác nhau. Tuy nhiên, cần đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và tiết kiệm hàng tháng.

Nắm rõ các khoản nợ của bản thân

Liệt kê chi tiết tất cả khoản nợ hiện tại của bản thân: số tiền nợ, lãi suất, thời hạn thanh toán. Từ đó, tính toán cụ thể để đưa ra con số tổng nợ cuối cùng.

Nên phân loại các khoản nợ theo lãi suất thực tế để xác định đâu là khoản nợ cần ưu tiên thanh toán trước. Sau đó lập kế hoạch trả nợ với mục tiêu và thời gian rõ ràng để đảm bảo chấm dứt tình trạng nợ nần nhanh nhất có thể.

Lập kế hoạch trả nợ

Để nhanh chóng giải quyết nợ nần, nên sắp xếp các khoản nợ theo số dư, lãi suất, thời hạn thanh toán. Từ đó, xác định đâu là khoản nợ cần ưu tiên thanh toán trước.

Thông thường, các khoản nợ có lãi suất cao nên được ưu tiên trả trước. Bởi các khoản nợ này yêu cầu bạn phải bỏ ra một số tiền khá lớn để trả cho chủ nợ hàng tháng.

Tuy nhiên, nếu cảm thấy khó khăn khi phải tiết kiệm một số tiền lớn, có thể bắt đầu bằng những khoản nợ nhỏ. Việc này sẽ giúp bạn có động lực hơn khi thực hiện kế hoạch trả nợ.

5 bước giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi nợ nần - Ảnh 3.

Khi đã xác định được khoản nợ ưu tiên, hãy quyết định số tiền sẽ trả mỗi tháng. Tốt nhất, nên thanh toán một lần cho một trong các khoản nợ của bạn. Đồng thời, trả số tiền tối thiểu cho các khoản nợ còn lại.

Muốn kế hoạch đạt được hiệu quả như mong muốn, cần đặt mục tiêu, ước tính thời gian cụ thể để thanh toán hết các khoản nợ. Đồng thời, nghiêm tục thực hiện theo kế hoạch đã đặt ra.

Thời gian trả nợ có thể bị thay đổi nếu không duy trì đúng kế hoạch hoặc phát sinh thêm số nợ trong thời gian này. Do đó, cần theo dõi, quản lý ngân sách chặt chẽ để đảm bảo hoàn thành kế hoạch trả nợ như dự định.

Đừng tạo thêm nợ

Sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm trong khi vẫn còn vài khoản nợ chưa thanh toán. Hoặc vay mượn tiền để tiêu dùng do ngân sách trong thời gian này eo hẹp hơn trước. Những việc này chắc chắn sẽ khiến kế hoạch trả nợ của bạn bị trì hoãn. Thậm chí, tình hình tài chính sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Vì vậy, nên hạn chế tối đa việc tạo thêm nợ nần bằng cách chi tiêu, quản lý tiền bạc một cách khoa học và hiệu quả. Những khoản nợ chồng chất không chỉ ảnh hưởng để tình hình tài chính cá nhân, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn gây áp lực, căng thẳng kéo dài đối với người mắc nợ.

Theo Trí thức trẻ