Nhập khẩu phân bón giảm mạnh do giá quốc tế tăng cao
Giá phân bón trên thị trường quốc tế gần đây tăng mạnh do chi phí nguyên liệu tăng kết hợp với giá ngũ cốc tăng thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao giữa lúc hoạt động vận chuyển khó khăn do dịch COVID-19 gây tốn kém chi phí vận chuyển.
Tháng 2/2021, giá phân bón các loại đều tăng mạnh, khoảng 5 – 15%, trong đó tăng mạnh nhất là giá urea, ở mức 14,6%.
Việt Nam nhập khẩu phân bón từ khoảng 20 thị trường, trong đó top 6 nhà cung cấp chủ chốt gồm Trung Quốc, Nga, Belarus, Israel, Hàn Quốc và Canada chiếm tổng cộng khoảng 80% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó khoảng một nửa đến từ Trung Quốc.
Nhập khẩu từ hai nhà cung cấp lớn nhất đều giảm trong tháng 1 vừa qua. Theo đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tháng 1/2021 đạt 118,85 nghìn tấn với trị giá 30,66 triệu USD, giảm 11,74% về lượng và giảm 5,92% về trị giá so với tháng trước đó; nhập từ Nga cũng giảm lần lượt 20,26% và 5,28% còn 35 nghìn tấn (11,46 triệu USD). Nhập khẩu từ một số thị trường khác như Canada, Nhật Bản… cũng giảm.
Tuy nhiên, nhập khẩu phân bón trong tháng 1 từ một số thị trường vẫn tăng. Đơn cử như nhập khẩu từ Đức (tăng 350,83% về lượng và 244,73% về trị giá) và thị trường Thái Lan (tăng 557,29% về lượng và 454,82% về trị giá); Israel (+111% về lượng, +86,1% về trị giá); Hàn Quốc (+30,16% về lượng, +18,46% về trị giá); Philippines (+36,69% về lượng, +59,83% về trị giá)…
Mặc dù nhập khẩu từ những thị trường này tăng mạnh, song do tỷ trọng nhỏ nên không thể làm thay đổi xu hướng tổng nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường.
Với xu hướng giá dầu mỏ đang tăng, khí gas vẫn ở mức cao, đặc biệt giá nông sản cao giữa bối cảnh dịch Covid-19, dự báo giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tuần tới.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị