Vàng tạo mặt bằng giá mới quanh vùng 55,5 triệu đồng
Việc đi ngang vùng 1.730 USD hai tuần liên tiếp giúp giá vàng thế giới tạo mặt bằng mới ở vùng hỗ trợ này, kéo theo vàng trong nước giao dịch ổn định quanh vùng 55,5 triệu.
Vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch cuối tháng 3 với xu hướng tăng trở lại tại cả thị trường giao ngay và hợp đồng tương lai so với phiên liền trước.
Trong đó, giá vàng thế giới giao ngay hiện cố định ở mức 1.733,3 USD/ounce, cao hơn 6,6 USD so với phiên 25/3 (theo giờ Mỹ). Tuy vậy, mức giá kể trên vẫn thấp hơn 11,6 USD so với đóng cửa cuối tuần liền trước, tương đương kim loại quý đã giảm ròng 0,7% trong tuần này.
Tại sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 6 đêm qua cũng tăng gần 0,4% giá trị, đóng cửa tuần ở mức 1.733,9 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu so với cuối tuần trước, giá vàng tương lai giao tháng 6 vẫn thấp hơn 0,5%.
Biến động chưa đến 1% giá trị hàng phiên và 2 tuần gần nhất đã giúp kim loại quý tạo mặt bằng giá mới trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.720 USD/ounce. Thậm chí, kim quý màu vàng đã cố gắng phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng 1.750 USD vào phiên thứ năm vừa qua. Dù việc tăng giá này không thành công nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực với xu hướng ngắn hạn của vàng.
Trong tuần này (22-27/3), giá vàng thế giới chủ yếu đi ngang vùng 1.730 USD/ounce bất chấp nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến giá, như thị trường chứng khoán biến động, đồng USD vững chắc và Bitcoin tăng trở lại.
Theo ông Daniel Pavilonis, chuyên gia môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures cho rằng mô hình giao dịch này có thể là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc các nhà đầu tư thu lợi nhuận từ vàng.
Trong đó, tâm lý thị trường tài chính đang ở mức thấp so với hồi tháng 8/2020 và đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư mua vào với vàng. Vị chuyên gia dự báo thị trường có thể chứng kiến tuần tăng giá mạnh của vàng vào tuần tới.
Nhiều chuyên gia phân tích cũng cho rằng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không có động thái nào trong việc kiểm soát lạm phát trong năm nay, điều này có thể giúp giá vàng trở lại mốc 1.900 USD trong năm nay, tương đương mức tăng gần 10% từ vùng hiện tại.
Tại thị trường trong nước, việc vàng thế giới lình xình quanh khu vực 1.730 USD khiến giá trong nước cũng không thoát khỏi vùng 55 triệu đồng/lượng.
Trong phiên sáng nay (27/3), giá vàng miếng trong nước ghi nhận xu hướng tăng tại hầu hết doanh nghiệp. Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 54,9 – 55,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên giá mua nhưng tăng 100.000 đồng giá bán so với chiều qua.
Tương tự, SJC vẫn niêm yết giá mua vào tại Hà Nội tương đương TP.HCM nhưng bán ra cao hơn 20.000 đồng, hiện phổ biến ở 55,42 triệu/lượng.
Tăng trở lại phiên cuối tuần nhưng giá vàng miếng SJC hiện vẫn thấp hơn 250.000 đồng so với cuối tuần trước, tương đương mức giảm ròng 0,45%/tuần.
Đà giảm kể trên cũng khiến người mua vàng từ cuối tuần trước đến nay đã chịu khoản lỗ 750.000 đồng/lượng, tương đương 1,3% giá trị đầu tư.
Thực tế, việc SJC niêm yết giá mua vàng miếng xuống dưới 54,9 triệu đồng/lượng khiến toàn bộ người mua từ đầu tháng 12/2020 đến nay đều chưa thể lấy lại giá vốn.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện niêm yết giá mua vàng miếng ở 54,9 triệu/lượng, tăng 40.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá bán ra tại đây ở mức 55,4 triệu/lượng, cao hơn 140.000 đồng. Tương tự SJC, giá vàng miếng do PNJ bán ra hiện cũng thấp hơn 200.000 đồng so với cuối tuần trước.
Mức giá mua – bán vàng kể trên cũng là giá Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết. So với hôm qua, vàng miếng do DOJI niêm yết đã tăng 50.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán.
Đà giảm cùng chiều của vàng trong nước và thế giới tuần này cũng khiến chênh lệch giữa 2 thị trường vẫn duy trì ở mức gần 7 triệu đồng/lượng. Đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước hiện phải trả đắt hơn so với thế giới hơn 12%.
Theo Zing