Thấy gì sau vụ Dubai trục xuất 40 người mẫu khoả thân ngoài ban công?
Người mẫu Hồi giáo khó phát triển sự nghiệp do nhiều luật lệ, nguyên tắc. Vụ 40 cô gái khỏa thân tại UAE khiến họ lo ngại có thể bị cấm hoạt động.
Vụ 40 người mẫu nước ngoài bị tạm giam, điều tra và sau đó trục xuất do chụp ảnh khỏa thân khẳng định sự xem trọng thuần phong mỹ tục tại UAE nói riêng và những quốc gia Hồi giáo nói chung.
Người mẫu nước ngoài gặp khó khăn, model trong nước cũng khó tồn tại vì những quy tắc của người Hồi giáo. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Halima Aden – người được mệnh danh là siêu mẫu đầu tiên mặc hijab (khăn trùm đầu đặc trưng hồi giáo) lên sàn diễn – tiết lộ cô phải đối mặt với nhiều khó khăn, định kiến.
“Người Hồi giáo không thoải mái khi làm người mẫu”
Halima Aden là tín đồ Hồi giáo. Cô từng được mệnh danh là siêu mẫu mặc hijab độc nhất, người mẫu đầu tiên diện khăn trùm đầu lên trang bìa Vogue. Nhưng đó là chuyện của nhiều tháng trước.
Hiện tại, mọi thứ với cô chỉ là phù phiếm. Aden quyết định từ bỏ nghề người mẫu vì ngành công nghiệp thời trang luôn xung đột, mâu thuẫn với đức tin của cô. “Từ bỏ nhưng tôi lại thấy vui. Tôi không còn dành 10 giờ mỗi ngày để tự chuẩn bị trang phục, trong khi đổi lại chỉ có những ánh nhìn khó chịu”, Aden thổ lộ.
Là người mẫu Hồi giáo, Halima Aden cho biết cô rất chọn lọc và khắt khe trong những lần xuất hiện. Mỗi khi đi chụp ảnh, cô mang theo một vali chứa đầy khăn trùm và trang phục truyền thống. Trong chiến dịch quảng cáo cho Fenty Beauty của Rihanna, người mẫu 23 tuổi cũng tự chuẩn bị phục trang.
Dù người đẹp đã tự chuẩn bị hijab, việc diện vật dụng truyền thống của Hồi giáo trong các buổi chụp ảnh vẫn gây nhiều khó khăn. Năm 2017, khi ký hợp đồng với IMG, Aden yêu cầu thêm vào điều khoản hợp đồng việc không ép buộc cô bỏ khăn trùm đầu.
“Có những cô gái sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để giành được hợp đồng người mẫu. Tôi thì không. Tôi đồng ý bỏ nghề nếu bị yêu cầu tháo khăn trùm đầu. Đưa ra điều kiện này đồng nghĩa với việc tôi luôn bị đánh giá là không giống ai”, cựu người mẫu bộc bạch.
Hoạt động trong ngành nghề nhiều cạnh tranh, Aden đồng thời phải sống với tiêu chuẩn khắt khe từ Hồi giáo. Theo đuổi nghiệp mẫu, cô gái 23 tuổi dành ít thời gian hơn cho gia đình, vắng mặt trong các lễ hội quan trọng của người đạo Hồi.
“Trong ba năm qua, tôi quá bận rộn để có thể về nhà vào dịp lễ. Điều đó làm tôi thấy khó chịu. Người thân cũng không hài lòng về tôi”, nữ người mẫu tiết lộ.
Ngoài ra, việc người mẫu Hồi giáo đi chụp ảnh cũng chịu nhiều rủi ro. Trong một lần xuất hiện trên trang bìa tạp chí, cô cảm thấy bị xúc phạm vì có người mẫu nam khỏa thân xuất hiện trong cùng ấn phẩm.
“Tại sao họ có thể đặt phụ nữ Hồi giáo chung với hình ảnh người đàn ông khỏa thân?”, cô đặt câu hỏi với BBC.
Theo Halima Aden, việc này không chỉ khiến cô cảm thấy bị xúc phạm đức tin, mà còn đẩy những người mẫu đạo Hồi giống cô vào con đường bị chỉ trích, ghét bỏ. Nghề người mẫu có thể mang lại vinh quang cho nhiều người, nhưng với phụ nữ Hồi giáo như Halima Aden thì không.
“Tôi không còn thấy hứng thú vì không nhận ra chính mình mỗi khi làm người mẫu. Điều đó rất có hại cho sức khỏe tinh thần tôi. Dù người khác nói tôi khó hiểu khi chọn cách giải nghệ khi đang ở đỉnh cao, tôi thực tế không hề thấy vui vẻ. Tôi muốn mình phải thấy hạnh phúc khi làm việc”, cô khẳng định.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như “quy tắc hijab” khi làm người mẫu khiến cô từ bỏ nghề hái ra tiền.
Sự hà khắc của các nước Hồi giáo với người mẫu
Vụ 40 cô gái chụp ảnh khỏa thân ở UAE được xem là cú sốc với người dân quốc gia này. Việc quay video, tuyên truyền văn hóa khiêu dâm bị xem là tội ác ở quốc gia Hồi giáo.
Những cá nhân xuất hiện trong buổi chụp có thể bị phạt 1.000 bảng Anh (khoảng 1.400 USD)/người và sáu tháng tù giam. Việc chia sẻ hình ảnh khiêu dâm có thể bị phạt đến 10.000 bảng Anh (khoảng 14.000 USD).
Trong quá khứ, nhiều người mẫu Hồi giáo bị tẩy chay và xem thường chỉ vì làm người mẫu, chụp ảnh nude. Hà khắc là hai từ đúng nhất để nói về thái độ của người dân, quan chức các quốc gia đạo Hồi dành cho giới người mẫu.
Huda Naccache, siêu mẫu người Israel, từng chịu không ít điều tiếng khi diện bikini xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang. Người Saudi Arabia từng gọi đây là “cú sốc lớn” khi chứng kiến hình ảnh táo bạo của Naccache khi cô 23 tuổi.
Tháng 2/2013, buổi diễn thời trang gồm bảy nữ người mẫu tổ chức trong không gian kín nhưng vẫn bị phản đối. Đây là lần đầu tiên phụ nữ đạo hồi Afghanistan bước lên sàn diễn chuyên nghiệp với trang phục “hở hang” như váy, quần jeans và áo thun.
Với người Hồi giáo ở Afghanistan, việc xuất hiện với vẻ ngoài quá hở hang, không sử dụng hijab bị cho là thiếu đoan chính. Vì vậy, áp phích, biển quảng cáo thường hiếm khi xuất hiện mẫu nữ. Nếu có, họ cũng phải diện trang phục kín bưng.
Tại Iran, nhiều người mẫu vì đam mê, thực hiện chụp ảnh bán khỏa thân nghệ thuật, nhưng sau đó phải sống trong sợ hãi. Một số người chọn cách bỏ trốn khỏi quốc gia vì không muốn phải ngồi tù, trở thành tâm điểm của sự phỉ nhổ.
Năm 2017, người mẫu Negzzia đã bỏ trốn khỏi lực lượng Vệ binh Hồi giáo chỉ vì chụp ảnh bán khỏa thân. Tại Iran, đây được xếp vào tội hành vi không đứng đắn, vi phạm đạo luật của đất nước, có thể bị bỏ tù.
Từ Iran, cô bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng chọn sống ở Pháp. Rời bỏ quê hương, cô bám nghề với cuộc sống chật vật, thậm chí ngủ ngoài đường vì túng thiếu.
Theo Daily Mail, nữ người mẫu đã cầu cứu cộng đồng mạng. Cô sau đó được Bộ trưởng Nội vụ Pháp nhanh chóng cử người đến hỗ trợ và tìm chỗ ở, việc làm. “Phụ nữ chúng tôi không được phép sống theo cách mình mong muốn. Tôi biết rất nhiều người muốn thoát khỏi sự nghiêm ngặt ấy”, cô nói.
Trước đó, tạp chí FHM từng vướng vụ kiện tụng liên quan đến việc người đẹp gốc Pakistan khỏa thân trên ấn phẩm. Sau khi những bức ảnh nóng bỏng của Veena Malik xuất hiện trên tạp chí, những phần tử Hồi giáo cực đoan đã đe dọa, đòi giết nữ người mẫu do cô vi phạm thuần phong mỹ tục.
Malik sau đó đòi kiện FHM vì chỉnh sửa hình ảnh của cô từ diện bikini sang khỏa thân, đồng thời yêu cầu khoản bồi thường 2 triệu USD. Tuy nhiên, ông Kabeer Sharma, tổng biên tập của FHM Ấn Độ, cho biết Veena Malik bối rối chỉ vì lo sợ làn sóng tẩy chay, hăm dọa đến từ quốc gia Hồi giáo. Ông có đủ bằng chứng từ hình ảnh, video hậu trường chứng minh loạt ảnh khỏa thân là thật.
Cuối cùng, Malik lên tiếng chỉ trích những bộ phận cực đoan. “Tôi có quyền quyết định cuộc sống và cơ thể bản thân. Họ sống trong thời hiện đại, nhưng lại mang tư tưởng của người tiền sử”, cô phát biểu.
Theo Zing