Vì sao giá quặng sắt “nóng bỏng tay”, tăng 10% chỉ trong vài phút?
“Ngành này đang rất nóng, và khi nào nhu cầu của Trung Quốc mới lắng xuống có lẽ là câu hỏi lớn nhất của năm 2021”, Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hoá tại Commonwealth Bank of Australia nói.
Ngay khi thị trường mở cửa giao dịch phiên đầu tuần 10/5, giá quặng sắt tương lai đã tăng vọt, nối dài đà tăng giá như vũ bão được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Trung Quốc và xu hướng chung của thị trường hàng hoá.
Giá quặng sắt tương lai giao dịch tại Singapore tăng hơn 10%, lập kỷ lục mới 226 USD/tấn. Nguyên liệu chủ chốt của ngành thép đang tăng giá rất mạnh do nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc khiến nguồn cung bị kéo căng. Giá mới chỉ lập kỷ lục 200 USD/tấn từ tuần trước.
Phiên sáng nay giá đồng cũng tiếp tục lập kỷ lục ở mức 10.500 USD/tấn.
Giá thép ở Trung Quốc tăng do các khách hàng lớn trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất đang bước vào mùa cao điểm và đang tận dụng các chính sách kích thích kinh tế. Các nhà sản xuất thép trên thế giới, ví dụ như ArcelorMittal, cũng bùng nổ nhờ thị trường hồi phục mạnh sau đại dịch.
“Nhiều khả năng cơn sốt từ Trung Quốc sẽ đẩy tăng nhu cầu trên toàn thế giới và khiến lực cầu vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay trong thời gian sắp tới”, Dhar nói.
Quặng sắt chỉ là một trong số hàng loạt nguyên vật liệu thô từ đồng cho đến ngũ cốc đều đã tăng giá rất mạnh trong những tháng gần đây. Chỉ số tổng hợp giá các loại hàng hoá giao ngay do Bloomberg thống kê đã kết thúc tuần trước ở mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ, làm dấy lên nỗi lo về lạm phát trên toàn thế giới.
Mặc dù chưa thể chỉ ra ngay lý do khiến giá quặng sắt tăng vọt phiên hôm nay, giới phân tích đưa ra một số xu hướng đang diễn ra, trong đó có niềm lạc quan rằng các NHTW sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ kể cả khi nền kinh tế hồi phục. Kỳ vọng Trung Quốc siết chặt các quy định về môi trường cũng bổ sung thêm lý do tăng giá cho đồng.
Theo các chuyên gia phân tích hàng hoá của Goldman Sachs, “kịch bản Goldilocks” sẽ diễn ra với sự kết hợp giữa nền kinh tế khá khoẻ mạnh với áp lực tiền lương và 1 Fed đi theo chính sách “bồ câu”. Rủi ro đối với những người đặt cược vào TTCK sẽ là lạm phát tăng cao và cuối cùng buộc các NHTW phải siết chặt chính sách.
“Ngành này đang rất nóng, và khi nào nhu cầu của Trung Quốc mới lắng xuống có lẽ là câu hỏi lớn nhất của năm 2021”, Vivek Dhar, chuyên gia phân tích hàng hoá tại Commonwealth Bank of Australia nói. “Hiện nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu”.
Các nhà sản xuất thép của Trung Quốc vẫn đang giữ sản lượng ở trên mức 1 tỷ tấn mỗi năm, bất chấp những biện pháp cắt giảm sản lượng phục vụ mục tiêu giảm khí thải carbon và kiểm soát nguồn cung. Những biện pháp này đã đẩy giá tăng cũng như lợi nhuận của các nhà máy, cho phép họ thích nghi tốt hơn với việc chi phí sản xuất tăng.
Các trader sẽ theo dõi sát sao cách phản ứng của Trung Quốc. Các công ty đóng tàu và những hãng sản xuất đồ gia dụng cuối cùng sẽ không thể chịu nổi việc thép tăng giá, tờ Tân Hoa Xã nhận định chủ nhật tuần trước, dẫn lời các chuyên gia phân tích từ Hiệp hội sắt thép Trung Quốc. Bài báo này cũng nhận định thép khó có thể tiếp tục tăng giá.
Tham khảo Bloomberg
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị