Thị trường ngày 25/5: Giá dầu tăng mạnh, thép giảm sâu, ngô và lúa mì đi xuống

Giá dầu tăng khá mạnh trong phiên vừa qua do kỳ vọng nhu cầu hồi phục tốt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá sắt thép tiếp tục giảm sâu sau những chính sách ngăn chặn giá tăng của Trung Quốc. Giá ngô, đậu tương và lúa mì cũng giảm vì các cánh đồng khô hạn ở Mỹ đã có mưa.

Giá dầu tăng hơn 3%

Giá dầu thô tăng hơn 3% vào lúc đóng cửa phiên giao dịch thứ Hai (24/5) do triển vọng nhu cầu tiếp tục tăng mạnh nhờ các chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19.,

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 2,02 USD (3%) lên 68,46 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) trên sàn New York cũng tăng 2,47% lên 66,05 USD/thùng.

Lưu lượng giao thông ở Mỹ đã gần như trở lại mức trước khi đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã mở cửa hoạt động trở lại, các hoạt động du lịch và giải trí trong nước được khôi phục, mọi người trở lại văn phòng làm việc… giúp cho lượng tiêu thụ xăng cũng bình thường trở lại

Số người tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ cũng thuyên giảm, củng cố thêm niềm hy vọng rằng nhu cầu dầu có thể sẽ tăng ngay từ những tuần tới.

Ngoài ra, khả năng Iran và các nước phương Tây khó có thể đạt được ngay sự đồng thuận về Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng góp phần hỗ trợ giá dầu tăng.

Bob Yawger, Giám đốc công ty năng lượng Energy Futures ở Mizuho (New York), cho biết: “Iran và các cường quốc phương Tây chưa thể đi đến việc ký kết các chi tiết cho thỏa thuận như vậy”. Và thực tế là Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế – IAEA) mới nhất trí ở việc gia hạn 1 tháng thỏa thuận giám sát các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này nhằm tạo điều kiện có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, tránh khả năng sụp đổ kế hoạch về những cuộc đàm phán rộng rãi hơn.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ tăng lên 80 USD/thùng trong quý IV năm nay, bởi kể cả Iran khôi phục xuất khẩu dầu mạnh mẽ kể từ tháng 7 thì Tổ chức Các nước Sản xuất Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (gọi là OPEC +) cũng sẽ có giải pháp hạn chế bớt nguồn cung của mình để cân đối cung – cầu cho thị trường dầu.

Quặng sắt giảm tiếp

Giá quặng sắt tiếp tục giảm mạnh trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháo sau khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cảnh báo sẽ có những biện pháp nghiêm khắc đối với những ai thao túng hàng hoá.

Kết thúc phiên 24/5, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 5,2%, tiếp nối đà giảm từ cuối tuần trước, xuống 1.064 CNY (165,46 USD)/tấn, sau khi có thời điểm xuống chỉ 1.016 CNY, thấp nhất kể từ 15/4.

Như vậy, so với thời điểm giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục, 1.358 CNY/tấn hôm 12/5, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đã giảm hơn 20%.https://cdnstoremedia.com/adt/amt/2020/11/640×3-amt5fe55e71b4193.html

Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore cũng giảm 7,5% xuống 177,35 USD/tấn, thấp nhất kể từ 30/4.

Giá thép phiên này cũng theo xu hướng giảm. Thép thanh vằn dùng trong xây dựng giao dịch trên sàn Thượng Hải giảm 3,6%, kết thúc phiên ở 5.596 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 3,9% và thép không gỉ giảm 1,2% so với phiên liền trước. Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên giảm 0,2%, trong khi than cốc giảm 1,7%.

Đồng tăng nhẹ

Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi khiến những mặt hàng tính theo USD như kim loại trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đà tăng giá đồng bị giới hạn bởi những chính sách kiềm chế giá kim loại công nghiệp tăng ở Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới.

Kết thúc phiên, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 9,939 USD/tấn.

Các cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc cảnh báo các công ty kim loại công nghiệp phải duy trì “trật tự thị trường bình thường” trong các cuộc đàm phán về mức tăng giá kim loại trong năm nay. Chính phủ nước này tuần trước cũng cho biết sẽ quản lý việc tăng giá “phi lý” đối với các mặt hàng như đồng, than, thép và quặng sắt.

Ngô, đậu tương và lúa mì giảm sau khi các cánh đồng lớn ở Mỹ có mưa

Giá ngô, đậu tương và lúa mì đều giảm trong phiên giao dịch vừa qua do khu vực Trung Tây nước Mỹ đã có mưa, làm giảm nỗi lo về sự ảnh hưởng bởi khô hạn. Lúa mì cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng do triển vọng sản lượng vụ Đông sẽ bội thu và sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu lúa mì gia tăng.

Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô Mỹ kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago giảm 2-1/4 cent xuống 6,57-1/4 USD/bushel; đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm 3-1/2 cent xuống 15,22-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 12 US cent xuống 6,62-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ 20/4.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 phiên vừa qua giảm 1,1% (0,7%) xuống 1,49 USD, phiên liền trước hợp đồng này đã đạt mức cao nhất 4 năm, là 1,5365 USD/bushel. Hạn hán nghiêm trọng vẫn diễn ra ở Brazil, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cà phê vụ này.

Robusta phiên vừa qua vững ở mức 1.478 USD/tấn (kỳ hạn tháng 7).

Cao su tăng

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua do Tokyo đang tích cực tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 – điều có thể giúp nước này sớm nới lỏng các chính sách chống Covid-19.

Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka tăng 0,9 JPY (0,4%) lên 1252,2 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su giao tháng 9 cũng tăng 1,4% lên 13.695 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 25/5

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị