Delta – biến chủng gây nên nỗi kinh hoàng Ấn Độ
Biến chủng Delta lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ vào tháng 2 và hiện có mặt ở 74 quốc gia. Các chuyên gia lo ngại biến chủng này sẽ ảnh hưởng xấu đến công cuộc chống dịch của toàn cầu.
Tháng 2, một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Nó nhanh chóng lan ra toàn cầu và xuất hiện ở hàng chục quốc gia, khiến thế giới lo ngại rằng chủng virus này có thể gây ra một làn sóng dịch bệnh mạnh, có khả năng áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đảo ngược kế hoạch mở cửa của nhiều nước, hay thậm chí phá hỏng chương trình vaccine hiện nay, theo CNN.
Chủng B.1.617.2, với tên gọi chính thức là Delta, đang khiến các nhà chức trách y tế trên toàn thế giới, bao gồm Mỹ, lo lắng. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng Delta hiện chiếm hơn 6% các mẫu virus được giải mã trình tự gen ở Mỹ.
Tỷ lệ trên có vẻ tương đối nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng của chủng này lại rất đáng lo ngại. Chỉ mới một tháng trước, chủng Delta chỉ chiếm 1% số mẫu virus được giải mã trình tự gen, theo dữ liệu của CDC.
Các chuyên gia tin rằng biến chủng Delta chính là nguồn cơn của đợt bùng dịch thứ hai gây nên cơn khủng hoảng ở Ấn Độ trong hơn 2 tháng qua.
Biến chủng đáng lo ngại
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, biến chủng Delta đang là điều đáng lo ngại ở Vương quốc Anh. 91% bệnh nhân Covid-19 mới ở nước này nhiễm B.1.617.2.
Sự lan rộng của biến chủng Delta diễn ra cùng lúc với sự gia tăng đột biến số ca bệnh ở Anh trong những ngày gần đây. Ngày 9/6, Anh ghi nhận 7.322 ca mắc Covid-19 mới, con số theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh ở nước này lắng xuống vào giữa tháng 4. Chính phủ Anh thậm chí đã triển khai quân đội ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để giúp xét nghiệm và truy vết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/5 đã liệt kê B.1.617 và các dòng phụ của nó, bao gồm B.1.617.2, là “các biến chủng đáng lo ngại”. Danh sách này còn bao gồm chủng B.1.1.7, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, hiện nay được gọi là biến chủng Alpha; B.1.351, hay Beta, xuất hiện lần đầu tiên ở Nam Phi; và P.1, hay Gamma, lần đầu được tìm thấy ở Brazil.
Những biến chủng được dán nhãn “đang lo ngại” này có khả năng dễ lây lan hơn hoặc gây bệnh nặng hơn, có thể “né tránh” một số biện pháp điều trị hoặc khó phát hiện khi xét nghiệm bằng các phương pháp tiêu chuẩn.
Các chuyên gia hiện tin rằng chủng Delta có khả năng lây truyền cao hơn các chủng con lại.
Ông Hancock cho biết vào cuối tuần trước rằng chủng virus này “có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 40%” so với biến chủng Alpha, vốn đã có khả năng lây truyền cao hơn so với chủng virus ban đầu.
Phát biểu tại cuộc họp giao ban về Covid-19 của Nhà Trắng vào ngày 8/6, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci cũng cho biết các nghiên cứu hiện tại đều chỉ ra rằng biến chủng này dễ lây lan hơn.
Ông Fauci lưu ý tỷ lệ 6% hiện nay ở Mỹ cũng tương tự như tình huống ở Anh cách đây không lâu.
Ông nói: “Tình huống này từng diễn ra ở Anh. Ban đầu chủng B.1.1.7 chiếm ưu thế, nhưng sau đó chủng B.1.617 phát triển mạnh hơn. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra ở Mỹ”.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng biến thể Delta có thể khiến người nhiễm bị bệnh nghiêm trọng hơn so với chủng Alpha, theo Public Health England (PHE).
Phân tích 38.805 trường hợp ở Anh cho thấy những người bị nhiễm biến chủng Delta có nguy cơ nhập viện trong vòng 14 ngày cao gấp 2,61 lần so với biến chủng Alpha, PHE cho biết vào tuần trước.
Dẫu vậy, PHE nói rằng cần thêm dữ liệu mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
74 quốc gia là nạn nhân
Biến chủng Delta đã được phát hiện tại 74 quốc gia trên hầu hết lục địa trừ Nam Cực, WHO cho biết trong bản cập nhật dịch tễ học mới nhất được công bố vào ngày 8/6. Một tháng trước, biến chủng này có mặt trên 40 quốc gia.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sở dĩ biến chủng này lây lan nhanh như vậy có thể là do vấn đề di chuyển của con người trên toàn cầu.
Vương quốc Anh hiện tại đang là một ví dụ cảnh báo cho các nước khác trên thế giới.
Neil Ferguson, một nhà dịch tễ học tại University College London, ngày 9/6 cho biết rằng biến thể này có thể dẫn đến đợt bùng dịch lớn khác ở Anh.Số ca mắc Covid-19 ở Anh đang gia tăng nhanh chóng.
Pháp và một số quốc gia khác đặt ra những hạn chế mới đối với người di chuyển từ Vương quốc Anh.
Việc gia tăng số ca nhiễm ở Anh trong thời gian gần đây đang gây ra lo ngại rằng nếu nước này dỡ bỏ các hạn chế vào ngày 21/6 tới theo đúng kế hoạch, dịch bệnh có thể trầm trọng hơn.
Ông Hancock cho biết chính phủ Anh đang theo dõi dữ liệu chặt chẽ để xác định các bước đi tiếp theo.
Vaccine có hiệu quả đối với biến chủng Delta không?
Các nhà nghiên cứu tại BioNTech và Đại học Texas Medical Branch ngày 10/6 cho biết họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy vaccine Pfizer/BioNTech có thể chống lại biến chủng Delta và các biến chủng khác.
Họ đã xét nghiệm máu của 20 tình nguyện viên đã được tiêm phòng đầy đủ và thấy rằng những người này miễn dịch với nhiều biến chủng, trong đó có Delta.
Các nhà nghiên cứu ở Anh đã báo cáo vào tuần trước rằng hầu hết người được tiêm hai liều vaccine Pfizer/BioNTech vẫn có khả năng chống lại biến chủng mới, dù kháng thể dường như đã giảm đáng kể.
Ông Hancock nói: “Nếu tiêm đủ 2 liều vaccine, chúng tôi tin tưởng rằng mọi người sẽ được bảo vệ tốt”.Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 13/3/2021. Ảnh: AFP.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Francis Crick và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh UCLH thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIHR) cũng cho biết rằng nếu chỉ tiêm một liều vaccine, người tiêm ít có khả năng phát triển đủ kháng thể để chống lại biến chủng Delta hơn so với các biến chủng trước.
Các nhà khoa học còn cho biết nghiên cứu của họ cho thấy cách tốt nhất để chống lại biến chủng mới là “nhanh chóng tiêm đủ hai liều vaccine và thuốc tăng cường cho những người có khả năng miễn dịch chưa đủ mạnh”.
Dữ liệu ban đầu do PHE công bố chỉ ra kết quả tương tự đối với vaccine AstraZeneca và Moderna.
Tuy nhiên, đợt bùng phát ở Ấn Độ đã tác động đến nguồn cung vaccine toàn cầu vì nước này là một trong những quốc gia sản xuất vaccine hàng đầu thế giới.
Nếu không nhanh chóng triển khai vaccine trên toàn cầu, virus sẽ ngày càng lan rộng và có nguy cơ biến đổi và phát triển thành các biến chủng mới, có thể chống lại những loại vaccine hiện hành, đe dọa và làm suy yếu công cuộc chống dịch của các quốc gia khác.
Theo Zing