Điều gì đã xảy ra tại đường chạy marathon ‘tử thần’ ở Trung Quốc?
Thảm kịch làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng trên mạng xã hội Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào chính quyền địa phương và lên án việc thiếu kế hoạch dự phòng của ban tổ chức.
Hai vận động viên điền kinh hàng đầu Trung Quốc nằm trong số 21 người tử vong do thời tiết khắc nghiệt trong cuộc đua đường dài 100 km ở tỉnh Cam Túc ngày 22/5.
Đó là hai cái tên không còn xa lạ gì trong giới điền kinh: Lương Tinh, nhà vô địch siêu marathon, và Hoàng Quan Quân, một vận động viên chạy đường trường khiếm thính.
“Chúng tôi đã mất đi những bậc thầy của môn thể thao này. Đây là một cơn địa chấn đối với thể thao nước nhà”, một người dùng Weibo viết.Lương Tinh trong một cuộc đua trước đó tại Hong Kong. Ảnh: Sportograf.
Các vận động viên đã gặp nhiều khó khăn khi cuộc đua bị gián đoạn bởi nhiệt độ hạ xuống mức đóng băng.
Những người tham gia sống sót cho biết dự báo thời tiết nói sẽ có gió và mưa, nhưng không đề cập đến bất cứ hiện tượng khắc nghiệt như những gì họ đã trải qua.
Cuộc chạy đua đường núi phải dừng lại khi một vài người trong số 172 vận động viên bị mất tích, và một chiến dịch cứu hộ lớn đã được khởi động.
Chính quyền khu vực bị chỉ trích nặng nề vì không có kế hoạch dự phòng. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho rằng một số quan chức địa phương đã đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn, từ đó dẫn đến thảm kịch khiến 21 người chết.
Mất mát lớn
Lương Tinh là một trong những vận động viên siêu marathon thành công nhất của Trung Quốc và được mọi người ưu ái gọi là “Thánh Lương” hay “Lương tướng quân” vì khả năng của mình.
Người đàn ông 31 tuổi đã chiến thắng nhiều cuộc đua đường dài trong nước, bao gồm Ultra Gobi vào năm 2018 – cuộc đua 400 km qua sa mạc Gobi.
Theo những hình ảnh chụp gần ngày bắt đầu cuộc đua vào 22/5 được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, anh chỉ mặc quần đùi, áo khoác mỏng và đội mũ lưỡi trai.
Vào thời điểm được lực lượng cứu hộ tìm thấy, anh đã không còn dấu hiệu sống.Theo những hình ảnh chụp gần ngày bắt đầu cuộc đua vào 22/5 được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Lương Tinh chỉ mặc quần đùi, áo khoác mỏng và đội mũ lưỡi trai khi chạy. Ảnh: Weibo.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, người hâm mộ bày tỏ lòng thương tiếc về cái chết của anh, mô tả đây là một “mất mát to lớn” của đất nước.
“Không có Lương tướng quân dẫn đường, các vận động viên siêu marathon khác sẽ trông vào ai đây?”, một người bình luận.
Một nạn nhân khác, Hoàng Quan Quân, 34 tuổi, được biết đến khi giành chiến thắng trong cuộc thi marathon dành cho nam khiếm thính tại Thế vận hội Paralympic Quốc gia 2019 của Trung Quốc.
Theo truyền thông địa phương, anh là người gốc Tứ Xuyên, bị khiếm thính khi mới một tuổi sau “tai nạn do tiêm thuốc”, và cũng không thể nói được.
Anh không xuất sắc trong việc học hành và phải vật lộn để có được một công việc ổn định. Anh thường gặp khó khăn về tài chính và phải ăn mì gói qua bữa.
Nhưng điều mà anh ấy làm tốt nhất là chạy, vì vậy anh đã tham gia các cuộc đua trong nhiều năm với hy vọng giành tiền thưởng.
Cuộc đua ngày 22/5 thưởng cho các vận động viên 1.600 nhân dân tệ (tương đương 248 USD) mỗi người nếu họ hoàn thành đường chạy.
Truyền thông địa phương cho biết sau khi biết anh qua đời, một người bạn của Hoàng Quan Quân đã khóc khi nghĩ đến những gì anh có thể đã phải chịu đựng trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
“Anh ấy bị điếc và không nói được, thậm chí anh ấy còn không thể kêu cứu”, người bạn giấu tên cho biết.
Điều gì đã xảy ra tại cuộc đua?
Trên mạng xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều chia sẻ về cuộc đua này.
Cuộc đua bắt đầu lúc 9h sáng 22/5. Một người sống sót cho biết dự báo thời tiết đã khiến họ chủ quan mất cảnh giác. Anh đã cảm thấy thời tiết hôm đó không bình thường nhưng những người tham gia không mặc quần áo đủ ấm, nhiều người mặc quần áo ngắn.
“Tôi đã chạy 2 km trước khi bắt đầu để làm nóng người… nhưng vấn đề là sau khi chạy 2 km này, cơ thể tôi vẫn chưa hề nóng lên”, thí sinh này cho biết trên tài khoản WeChat.
Theo các quan chức thành phố Bạch Ngân gần đó, khoảng ba tiếng sau khi bắt đầu, khu vực có đường chạy qua núi của cuộc đua có mưa đá, mưa to và gió lớn khiến nhiệt độ giảm mạnh.
Một người chạy tên là Mao Shuzhi nói với Reuters: “Mưa càng lúc càng nặng hạt, lúc đó tôi đã chạy được khoảng 24 km và chưa đến núi”. Cô quyết định quay trở lại khách sạn, và đã phải vật lộn với tình trạng hạ thân nhiệt tồi tệ trên đường chạy về.
“Lúc đầu, tôi hơi hối hận, nghĩ rằng đó có thể chỉ là một cơn mưa rào, nhưng khi tôi nhìn thấy những cơn gió giật và bão lớn qua cửa sổ phòng khách sạn khi trở về, tôi cảm thấy thật may mắn vì đã quyết định quay lại”.
Nhiều vận động viên bị mắc kẹt, bị lạnh và lạc đường do thời tiết ảnh hưởng đến tầm nhìn.Lực lượng cứu hộ tại hiện trường. Ảnh: AFP.
Một người chạy giấu tên được The Cover trích dẫn đã mô tả cơn mưa băng giá trút xuống như “những viên đạn găm vào mặt”.
Anh nói có một đoạn núi đặc biệt dốc và phần đất lộ thiên không có chỗ nào có thể trú ẩn được.
“Mưa quật thực sự rất đau, và gió mạnh đến mức bạn cứ phải nhắm nghiền mắt”, anh nói.
Anh nói thêm ngay cả khi ai đó mang theo một chiếc chăn giữ nhiệt, nó cũng sẽ bị xé toạc bởi những cơn gió mạnh.
Một số người chạy được xa hơn đã ngã khỏi đường mòn rơi vào các khe núi sâu. Không rõ có bao nhiêu người trong số họ sống sót.
Truyền thông nhà nước cho biết một chiến dịch cứu hộ với hơn 1.200 người với sự hỗ trợ của các máy bay không người lái ảnh nhiệt và máy dò radar đã được triển khai. Nhưng những nỗ lực giải cứu đã quá muộn đối với nhiều nạn nhân.
Vụ việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng trên mạng xã hội Trung Quốc chủ yếu nhắm vào chính quyền Bạch Ngân và lên án việc thiếu kế hoạch dự phòng của ban tổ chức.
Trong một cuộc họp báo ngày 23/5, Thị trưởng Bạch Ngân, Zhang Xuchen – cũng là người nổ phát súng xuất phát cuộc đua – cho biết: “Với tư cách là người tổ chức sự kiện, chúng tôi cảm thấy có lỗi và hối hận. Chúng tôi bày tỏ sự chia buồn và đồng cảm sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và những người bị thương”.
Theo Zing