Du ngoạn Đầm Chuồn ngắm hoàng hôn, thưởng hương vị Huế dân dã

Kinhtetrithuc.vn – Không đền đài, không náo nhiệt, Đầm Chuồn níu chân du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, cảnh sắc nên thơ và những trải nghiệm đậm chất xứ Huế bình dị.

Tạm rời xa những mái ngói rêu phong và chốn đền đài cổ kính nơi kinh thành Huế, du khách hãy một lần ghé thăm Đầm Chuồn – nơi được ví như “bức tranh thủy mặc” của vùng phá Tam Giang. Mặt nước tĩnh lặng, những căn nhà chồ đơn sơ và ánh hoàng hôn nhuộm vàng mặt nước mang đến một trải nghiệm mộc mạc, bình yên rất riêng của miền sông nước xứ Huế.

Ảnh Trường Bùi

Đầm Chuồn thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km. Là một phần của hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai nổi tiếng, nơi đây có diện tích mặt nước rộng gần 100ha, là vùng sinh thái ngập mặn điển hình, nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề chài lưới.

Không ồn ào, không náo nhiệt, Đầm Chuồn gây thương nhớ bởi chính sự dung dị, mộc mạc. Những căn nhà chồ lợp tranh nằm giữa đầm, nối với bờ bằng những cây cầu tre lắt lẻo, những chiếc ghe nhỏ lướt nhẹ giữa không gian trong vắt, in bóng mặt trời đỏ ối mỗi lúc bình minh hay khi chiều tà buông xuống – tất cả tạo nên một bức tranh yên ả khiến người ta như quên đi những bộn bề phố thị.

Du khách có thể đến Đầm Chuồn quanh năm, tuy nhiên, thời điểm đẹp nhất là từ tháng 4 đến tháng 7 – mùa khô ở Huế. Lúc này, nước trong xanh, thời tiết ít mưa, đặc biệt là cảnh bình minh và hoàng hôn trên đầm trở nên rực rỡ và lãng mạn hơn bao giờ hết.

Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, cả đầm như khoác lên mình lớp sương mỏng mờ ảo. Chiều xuống, ánh nắng cuối ngày nhuộm vàng mặt nước, tạo nên khung cảnh nên thơ đến nao lòng. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để các tín đồ đam mê nhiếp ảnh săn khoảnh khắc “vàng”.

Ảnh Trường Bùi

Một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến Đầm Chuồn là dùng bữa trên các nhà chồ – những căn nhà sàn dựng giữa mặt nước, vừa giản dị lại vừa mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Các nhà chồ đều được dựng bằng tre, gỗ, lợp lá đơn sơ nhưng lại có tầm nhìn đẹp nhất ra đầm.

Ảnh Trường Bùi

Du khách có thể thưởng thức đặc sản tươi ngon như cá dìa, cá ong, tôm sú, hàu nướng mỡ hành hay món bánh khoái cá kình – đặc sản dân dã của người vùng đầm phá. Mỗi món ăn đều đậm vị mặn mòi, dân dã, đưa thực khách ngược dòng ký ức về những bữa cơm quê giản dị.

Bên cạnh đó, chèo ghe dạo quanh đầm cũng là một hoạt động thú vị. Du khách có thể cùng ngư dân trải nghiệm cách đánh bắt cá bằng nò, rớ – những ngư cụ truyền thống chỉ còn thấy ở vùng đầm phá miền Trung.

Theo Vân Giang / Tri Thức & Cuộc Sống

Xem thêm: