Giao dịch lô 1.000 cổ phiếu: Chứng khoán thành sân chơi “xa xỉ”
Các chuyên gia nhận định việc tăng lô giao dịch 10 lần từ 100 lên 1.000 cổ phiếu/lệnh sẽ tác động bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ khi việc sở hữu các cổ phiếu bluechip quá tốn kém.
Sau khi nhậm chức Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, ông Lê Hải Trà cho biết HoSE đã tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia về vấn đề nâng lô giao dịch để giảm tải lệnh cho hệ thống. Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu mỗi lệnh có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch.
Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi việc tiếp cận nhiều cổ phiếu bluechip với thị giá cao sẽ trở nên đắt đỏ. Đơn cử với các cổ phiếu có thị giá hơn 100.000 đồng trong danh mục VN30 hiện tại như VJC (Vietjet), MWG (Thế giới Di động), VIC (Vingroup), VNM (Vinamilk), VHM (Vinhomes), việc giao dịch với đơn vị tối thiểu 1.000 cổ phiếu/lệnh sẽ khiến nhà đầu tư phải bỏ ra số vốn hơn 100 triệu đồng mới có thể sở hữu các mã này.
Ông Trà nhấn mạnh đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Trong tương lai, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, HoSE sẽ có bảng giao dịch lô lẻ và cũng hoàn toàn có thể quay trở lại lô 100 như hiện nay.
“Ảnh hưởng nguy hiểm đến thị trường”
Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải khẳng định không ủng hộ đề xuất này. Trước đó, VAFI cũng từng lên tiếng phản đối khi HoSE áp dụng nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu mỗi lệnh từ đầu tháng 1.
Theo ông Hải, số lượng nhà đầu tư cá nhân mới với số vốn 300-500 triệu đồng hiện nay trên thị trường rất nhiều. Việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu sẽ khiến cơ hội lựa chọn danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ, lẻ ít đi. Nhiều cổ phiếu của nhà đầu tư hiện tại cũng có nguy cơ trở thành lô lẻ, khó giao dịch.
“Việc này có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến thị trường và phải tìm những giải pháp khác”, phó chủ tịch VAFI nóI.
TS Võ Đình Trí, giảng viên của IPAG Business School ở Paris (Pháp), cũng nhận định việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ, khó khăn hơn để tiếp cận các cổ phiếu bluechip có mệnh giá lớn.
Về vấn đề nghẽn lệnh trên HoSE, TS Trí cho rằng nút thắt ở hạ tầng không quá khó với Sở để nâng cấp. Ông cho rằng các hệ thống giao dịch chứng khoán lớn ở châu Âu, Mỹ, Hong Kong hay Thượng Hải xử lý khối lượng, tần suất giao dịch, các lệnh bằng robot còn lớn hơn rất nhiều lần. “Về mặt kỹ thuật không có gì trở ngại quá lớn, nếu có tiền, có thể làm được ngay”, TS Trí chia sẻ quan điểm cá nhân.
Ông Hải cũng cho rằng HoSE đáng lý phải có giải pháp khắc phục ngay về kỹ thuật khi hệ thống từng gặp trục trặc cách đây vài năm thay vì mất thời gian dài đến hiện tại vẫn chưa hoàn thành. Phó chủ tịch VAFI nhấn mạnh việc lấy lý do dịch Covid-19 khiến chậm triển khai hệ thống mới là không thuyết phục.
Ông Hải dẫn chứng nhiều doanh nghiệp rất tích cực để đưa các chuyên gia từ nước ngoài sang Việt Nam để làm việc ngay trong năm 2020. Sở giao dịch với vai trò là trái tim của thị trường chứng khoán nếu quyết liệt hoàn toàn có để đưa các chuyên gia Hàn Quốc sớm đến Việt Nam để triển khai hệ thống mới (KRX). Do đó, ông Hải đặt dấu hỏi về sự quyết tâm và năng lực của lãnh đạo HoSE với việc nâng cấp hệ thống.
Quỹ minh bạch, hiệu quả mới thu hút nhà đầu tư
“Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Từ đó sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư, thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, để gia tăng lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đây là điều có ý nghĩa dài hạn đối với sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam”, CEO HoSE Lê Hải Trà nói thêm về giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu/lệnh.
Phó chủ tịch VAFI cho rằng luận điểm tăng lô giao dịch giúp phát triển ngành quản lý quỹ, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ là không hợp lý. Theo ông Hải, một số công ty quản lý quỹ hoạt động ở Việt Nam chưa hiệu quả. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư cũng muốn tự trực tiếp đầu tư thay vì ủy thác.
TS Trí đánh giá xu hướng phát triển thị trường quản lý quỹ đúng đắn, tuy nhiên vấn đề quan trọng là tính hiệu quả, minh bạch của các quỹ đầu tư như thế nào. Thêm vào đó, nhà đầu tư có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cũng sẽ muốn tự do đầu tư. Thị trường chứng khoán luôn phải tạo ra nhiều lựa chọn phục vụ nhà đầu tư.
Theo ông, bản thân thị trường quỹ ở Việt Nam cũng cần sự đa dạng hơn. TS Trí lấy ví dụ ở châu Âu, có những quỹ đầu tư cho phép nhà đầu tư vẫn tự lựa chọn danh mục chứ không ủy thác hoàn toàn. Các quỹ này sẽ thay mặt giao dịch, mua bán các tài sản trong danh mục do nhà đầu tư lựa chọn.
Theo ông, bản thân các công ty quản lý quỹ cũng phải minh bạch, rõ ràng, chứng tỏ hoạt động hiệu quả mới có thể thu hút nhà đầu tư cá nhân. Cơ quan quản lý đồng thời phải có cơ chế, chính sách về thuế, phí hợp lý để khuyến khích cá nhân bỏ tiền vào các quỹ dài hạn. Như vậy, thị trường quản lý quỹ mới có thể phát triển.
Trước đó, từ đầu tháng 1, HoSE nâng đơn vị giao dịch lô chẵn từ 10 lên 100 cổ phiếu mỗi lệnh. Giải pháp này theo lãnh đạo HoSE nhằm giảm 15-18% số lượng lệnh vào hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống của HoSE “tắc vẫn hoàn tắc” khi thanh khoản không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo Zing