MBS: Đây là thời điểm tái cơ cấu danh mục để thích nghi giữa căng thẳng thuế quan
Kinhtetrithuc.vn – Nhận định về thị trường chứng khoán, MBS cho rằng đây là thời điểm để tái cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành ít chịu tác động trực tiếp từ thương chiến, đồng thời được hưởng lợi khi các động lực tăng trưởng trong nước có cơ hội vươn lên.
Sáng sớm 10.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm hoãn thời gian áp dụng mức thuế quan mới với gần 60 đối tác thương mại trong vòng 90 ngày, nhằm thêm thời gian để các bên đàm phán, đồng thời nâng mức thuế áp dụng với Trung Quốc lên 125%. Thuế suất nhập khẩu và thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhôm, thép và ô tô được giữ nguyên.
Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới lập tức phản ứng tích cực với thông tin trên, chỉ số Dow Jones và S&P500 của Mỹ đóng cửa với mức tăng lần lượt là 7,9% và 9,5%, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ thời điểm COVID-19.
Báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng động thái hoãn thời điểm áp mức thuế mới chỉ đủ để các bên thích nghi với sự chuyển biến của “chiến tranh thương mại”. MBS giữ nguyên quan điểm các nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su, giấy, dây cáp điện… và các nhóm ngành BĐS khu công nghiệp, logistics vẫn chịu tác động về dài hạn do giảm lượng đơn hàng cũng như biên lợi nhuận giảm sút.
MBS cho rằng đây là thời điểm để tái cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành ít chịu tác động trực tiếp từ thương chiến, đồng thời được hưởng lợi khi các động lực tăng trưởng trong nước có cơ hội vươn lên.

Phân tích từng ngành, MBS cho rằng ngành BĐS dân cư sẽ phục hồi trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, được hưởng lợi nhờ môi trường lãi suất thấp, nhiều dự án được tháo gỡ về mặt pháp lý, giá đất nền có sự dịch chuyển trong làn sóng sáp nhập tỉnh thành.
Trong cả năm 2025, lợi nhuận trung bình các doanh nghiệp BĐS dự kiến ước tăng 6%, đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS phía nam nhờ nguồn cung bất động sản chung cư tăng lên khoảng 78% lợi nhuận còn được hỗ trợ bởi việc bàn giao phần còn lại của các dự án BĐS trong năm trước.
Ngành ngân hàng, là ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như sự phục hồi của thị trường BĐS dân cư. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, các ngân hàng quốc doanh đặt kế hoạch 15 – 16%, ngoài ra có các ngân hàng TMCP đặt mục tiêu trên 20% (HDB (+32%), VPB (+25%), VIB (+22%)…). Với nền lãi suất cho vay thấp (-0,4% so với cuối năm 2024), cùng với động lực tăng trưởng tín dụng từ sản xuất, BĐS, đầu tư công, ngành ngân hàng dự kiến tăng trưởng tốt, thậm chí càng được đẩy mạnh trong bối cảnh thuế quan gay gắt.
Ngành dầu khí, đặc biệt nhóm dầu khí thượng nguồn, ít chịu tác động bởi thuế đối ứng khi không xuất khẩu sang Mỹ (Mỹ cũng không áp thuế đối ứng với các mặt hàng năng lượng), khối lượng công việc trong nước ổn định, giá dầu duy trì trên mức hòa vốn. Rủi ro là xu hướng hạn chế năng lượng tái tạo dưới thời Trump 2.0, nhưng dài hạn vẫn tích cực. Ngoài ra, các DN vận tải dầu khí cũng có thể giữ vững mức lợi nhuận cao của năm ngoái nhờ tăng sản lượng vận chuyển có thể giảm bớt tác động tiêu cực từ việc nhu cầu vận tải đường dài giảm, trong khi định giá của nhóm này đã về mức rất thấp.
Ngành xây dựng được hưởng lợi từ các quyết sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của thị trường BĐS dân cư. Giải ngân đầu tư công 2025 dự kiến tăng 14%, thúc đẩy doanh thu xây lắp…
Ngành chứng khoán, định giá hấp dẫn, tiềm năng dẫn dắt khi thị trường hồi phục. TTCK điều chỉnh mạnh đầu tháng 4.2025 do lo ngại từ thuế nhập khẩu 46% của Mỹ, song thanh khoản trung bình phiên tăng mạnh lên trên 30 nghìn tỉ đồng. MBS cho rằng môi trường lãi suất thấp, kỳ hạn nâng hạng trong tương lai vẫn hỗ trợ cho ngành chứng khoán.
Ngành hàng không, nhu cầu phục hồi, mở rộng hạ tầng hàng không sẽ giải quyết nhiều bài toán về nút thắt công suất; ngành bảo hiểm ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại (trừ bảo hiểm hàng hóa), song lại có mức giảm giá 18,3%, cao hơn cả VN-Index 17% trong 5 phiên vừa qua, đưa định giá của ngành này xuống vùng hấp dẫn…
Ngoài ra, ngành công nghệ – viễn thông, nền kinh tế số là động lực tăng trưởng, định giá hấp dẫn để tích lũy. Lĩnh vực phát mềm phần mềm không bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ, hưởng lợi từ nhu cầu chuyển đổi số toàn cầu, đặc biệt tại Nhật Bản, APAC và châu Âu. Các AI mới như Deepseek mang tính hỗ trợ hơn là thay thế việc phát triển phần mềm, ngoài ra cũng giúp phổ biến AI trong dài hạn.
Thêm nữa, xu hướng đẩy nhanh phủ sóng và thương mại hóa mạng 5G từ nay đến 2030 của Việt Nam sẽ là động lực chính cho tăng trưởng các doanh nghiệp ngành viễn thông. Rủi ro từ Starlink không quá lớn trong trung hạn do hoạt động của Starlink chủ yếu phục vụ các khu vực mà hạ tầng viễn thông hiện tại chưa tiếp cận được…
Xem thêm: