Nước cờ “dị” giúp Sony tránh vào vết xe đổ của BlackBerry, HTC, LG
Chỉ bán được 2,9 triệu smartphone trong cả năm 2020 nhưng hiện tại mảng di động của Sony đã có lãi sau 5 năm chỉ biết thua lỗ.
Câu chuyện của ngành điện thoại thông minh gắn liền với những lời chia tay đầy tiếc nuối. Trong khi các thương hiệu Trung Quốc ngày càng phát triển và thu được lợi nhuận thì nhiều thương hiệu lâu đời lại gặp khó khăn. BlackBerry, HTC và Nokia đã thất bại. LG là nạn nhân mới nhất của thị trường cạnh tranh khốc liệt này. Sau nhiều lần cố gắng để khôi phục vị thế của mình, họ phải công bố dừng mảng kinh doanh smartphone vào tháng 4 vừa qua.
Tưởng như Sony sẽ là cái tên tiếp theo cho xu hướng đáng tiếc này. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy có vẻ như hãng di động Nhật Bản sẽ là ngoại lệ. Trên thực tế, họ đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” vào thời điểm nhiều ông lớn khác đã đầu hàng thị trường.
Lần đầu tiên sau 5 năm, bộ phận di động của Sony công bố có lãi vào quý I/2021. Họ đạt được “kỳ tích” này bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất, tăng giá bán trung bình của thiết bị. Có thể thấy rõ chiến lược này khi chiếc di động cao cấp mới nhất là Xperia 1 III được bán với giá 1.299 USD.
Tuy nhiên, bức tranh không phải toàn màu hồng. Sony đang bán ít điện thoại hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ qua. Trong cả năm 2020, hãng chỉ bán được 2,9 triệu máy, so với mức đỉnh điểm năm 2014 là 39,1 triệu máy. Mặc dù vậy, điều quan trọng là Sony Mobile vẫn đang tồn tại và phát triển.
So sánh giữa LG và Sony là một điều thú vị. Cả 2 đều là những thương hiệu công nghệ khổng lồ, có tính kế thừa. Sau những thành công ban đầu trên thị trường thiết bị cầm tay, họ đã phải “nuôi báo cô” bộ phận di động trong nửa thập kỷ qua. LG cuối cùng đã từ bỏ còn Sony lại có lãi.
Sự khác biệt ở đây là LG chưa bao giờ tỏ ra kiên định với một mục tiêu cụ thể. Họ ra mắt nhiều thiết bị khác nhau, một số mang tính thử nghiệm cao. Từ những thử nghiệm mang tính mạo hiểm cao như LG G5, Wing cho đến các thiết bị cực kỳ an toàn như G7 ThinQ, hay thiết bị thời trang như Velvet, ngày càng khó biết được ai sẽ mua điện thoại LG.
Trong khi đó, Sony lại tỏ ra “hướng nội”, cố gắng hết sức để làm tốt những giá trị cốt lõi của mình mà không dành nhiều tâm trí để phát triển một chiếc smartphone mang tính đột phá.
Thực tế, Sony gặp những rắc rối tương tự LG vào giữa đến cuối cũng như 2010, với doanh số và thị phần ngày càng giảm. Dòng sản phẩm Xperia Z và XZ ra mắt lịch phát hành 2 lần/năm. Hàng loạt những phiên bản ra mắt gây hoang mang người dùng với rất ít sự đổi mới. Những chiếc điện thoại này nhận nhiều đánh giá trái chiều.
Dòng Xperia chỉ thực sự bước sang một trang mới khi chiếc Xperia 1 ra mắt, tập trung vào việc khắc phục những chỉ trích trước đây của người dùng và vẫn giữ một “chất” Sony không lẫn vào đâu được. Nó nhận được nhiều sự ca ngợi vì phần cứng tuyệt vời, mặc dù giá rất đắt và không hoàn hảo. Trên mẫu di động này, Sony lần đầu tiên giới thiệu màn hình OLED 4K HDR 21:9, 3 camera, đưa trở lại giắc cắm tai nghe (cho mở rộng lưu trữ) để biến nó thành cỗ máy đa phương tiện tối ưu.
Các số liệu riêng của Sony cho thấy họ không sản xuất điện thoại cho số đông người tiêu dùng phổ thông nhưng lợi nhuận thu về cho thấy họ không cần phải làm như vậy. Bằng cách tận dụng màn hình TV Bravia, máy ảnh Alpha và công nghệ âm thanh tốt nhất của mình, Sony cho thấy họ có thể tồn tại trong thị trường điện thoại thông minh cạnh tranh khốc liệt bằng cách “chọn lọc người mua”.
LG, BlackBerry và nhiều hãng di động khác đã chứng minh việc tạo ra một thị trường ngách bền vững không hề dễ dàng. Nó càng khó khăn hơn khi thị trường di động chứng kiến các thương hiệu chạy đua về giá đến mức chạm đáy. Tuy nhiên, sự “vững vàng” của Sony cho thấy ngành di động vẫn có đất cho những sự khác biệt thực sự.
Sony đã tạo niềm tin. Và họ phải mất nhiều năm để tìm ra “công thức” tồn tại trong thị trường khốc liệt này.
Tham khảo: Android Authority