Ô nhiễm không khí: Con người khó thở, chứng khoán và BĐS chịu áp lực
Kinhtetrithuc.vn – Vào ngày 13/1/2025, Hà Nội được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 4 trên thế giới, với chỉ số AQI đạt mức 198, thuộc mức “không lành mạnh”.
Ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu và tại Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% dân số toàn cầu hít thở không khí có nồng độ chất ô nhiễm cao, dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí như đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh hô hấp khác.
Ô nhiễm không khí: Vấn đề nhức nhối toàn cầu
WHO cho biết, khoảng 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời. 3,8 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà, thường từ việc đốt nhiên liệu rắn.
Theo IQAir, Việt Nam xếp thứ 36 trên 118 quốc gia về mức độ ô nhiễm không khí, với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO năm 2023.
Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí trong năm 2024 đã tăng trung bình khoảng 10% so với năm 2023. Với mức tăng từ 10-20 điểm AQI, ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài mà còn ngày càng nghiêm trọng hơn, phủ bóng đen lên cuộc sống người dân đô thị.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất. Đặc biệt, vào ngày 13/1/2025, Hà Nội được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 4 trên thế giới, với chỉ số AQI đạt mức 198, thuộc mức “không lành mạnh”.
WHO ước tính rằng ô nhiễm không khí liên quan đến khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam, chủ yếu do các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Các nguồn gây ô nhiễm chính bao gồm hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đốt rác thải. Đặc biệt, việc sử dụng nhiên liệu rắn trong nấu ăn và sưởi ấm cũng đóng góp đáng kể vào ô nhiễm không khí trong nhà.
IQAIR khuyến nghị người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về chất lượng không khí thông qua các ứng dụng và trang web uy tín như IQAir để có biện pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời, hạn chế các hoạt động ngoài trời trong những ngày ô nhiễm cao, sử dụng khẩu trang chống bụi mịn và máy lọc không khí trong nhà để giảm thiểu tác động của ô nhiễm.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch để cải thiện chất lượng không khí, theo Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Nam.
Tác động sâu rộng đến nền kinh tế
Ô nhiễm không khí không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường mà còn có tác động sâu rộng đến kinh tế. Các nghiên cứu cho thấy áp lực tài chính từ chi phí y tế, tổn thất năng suất lao động cho đến ảnh hưởng dài hạn đến thị trường tài chính và ngân sách quốc gia.
Sức khỏe và chi phí y tế
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Ngân sách chi tiêu cho y tế để điều trị các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, bao gồm bệnh hô hấp, tim mạch, được ước tính lên đến 8% GDP ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Năng suất lao động cũng suy giảm do ô nhiễm không khí. Các nghiên cứu cho thấy người lao động ở các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng có khả năng giảm đến 20% năng suất.
WHO đã nhấn mạnh rằng ô nhiễm không khí gây thiệt hại kinh tế lớn, với chi phí hàng năm lên đến 5 nghìn tỷ USD do tổn thất năng suất lao động và chi phí y tế. WHO cũng nêu rõ áp lực này đặc biệt lớn đối với các quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp.
Chi phí giảm thiểu ô nhiễm không khí
Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí yêu cầu sự đầu tư đáng kể vào công nghệ xanh và các chương trình năng lượng tái tạo. Theo International Energy Agency (IEA), thị trường năng lượng tái tạo có thể nhận được đầu tư hơn 1.7 nghìn tỷ USD đến năm 2030.
Mặc dù chi phí ban đầu là cao, lợi ích dài hạn của việc giảm thiểu ô nhiễm đã được xác nhận rõ ràng. Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư vào các chương trình xanh có thể giảm đến 30% tổn thất kinh tế do ô nhiễm.
Tác động đến ngành du lịch
Ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, khiến du khách có thể lựa chọn các địa điểm trong lành hơn.
Chẳng hạn tại Hà Nội, vào ngày 26/12/2024, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đạt mức 218, thuộc ngưỡng “rất có hại cho sức khỏe”, khiến nhiều du khách phải điều chỉnh lịch trình. Bản thân người dân ở đây cũng hạn chế ra ngoài và đóng cửa ở trong nhà để tránh ô nhiễm không khí.
Tại Chiang Mai, Thái Lan, ô nhiễm khói mù do đốt rừng và rác thải nông nghiệp cũng đã dẫn đến việc du khách hủy đặt phòng trong dịp lễ Songkran, gây thiệt hại cho ngành du lịch địa phương.
Hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng
Theo UNICEF, ô nhiễm không khí gây thiệt hại kinh tế cho Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, tương đương 5% GDP, bao gồm giảm doanh thu du lịch và đầu tư quốc tế.
Báo cáo của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, chỉ số hoạt động môi trường (EPI) năm 2024 cho thấy, Việt Nam xếp hạng thứ 180/180 quốc gia với điểm số tổng hợp là 24,5/100. So với 2 năm gần nhất, thứ hạng xếp hạng của Việt Nam liên tục giảm. Năm 2020, thứ hạng xếp hạng của Việt Nam đã giảm 37 bậc, từ bậc 141/180 quốc gia; năm 2022 giảm 02 bậc từ 178/180 quốc gia. Đồng thời điểm số EPI tổng hợp cũng giảm từ 33,4/100 năm 2020 xuống còn 20,1/100 năm 2022 và 24,5/100 năm 2024, cho thấy tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Ô nhiễm không khí và đầu tư tài chính
Xu hướng đầu tư ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang trở thành trụ cột trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng. Bloomberg Intelligence dự báo quy mô quỹ đầu tư ESG sẽ đạt 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Các sự kiện ô nhiễm nghiêm trọng đã từng làm suy giảm giá trị thị trường chứng khoán. Nghiên cứu từ Hội Đồng Quốc tế về Môi trường (WRI) chỉ ra rằng, các công ty hoạt động trong khu vực ô nhiễm thường ghi nhận tỷ lệ suy giảm giá cổ phiếu trung bình lên đến 15% khi xảy ra khủng hoảng môi trường.
Thuế carbon là một trong những chính sách tài khóa hiệu quả đặt mục tiêu kiềm soát khí thải. Theo nghiên cứu của IMF, việc áp dụng thuế carbon có thể đảm bảo giảm đến 20% khí thải trong vòng một thập kỷ.
Chính phủ các quốc gia cũng tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và các chương trình giảm khí thải. Cải cách ngân sách để hỗ trợ năng lượng xanh đang được thực hiện rộng rãi tại các quốc gia châu Âu, với kế hoạch đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Ngoài ra, chất lượng không khí còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị bất động sản. Nghiên cứu từ Viện Môi trường Stockholm (SEI) cho thấy, các khu vực có chất lượng không khí tốt hơn thường ghi nhận giá nhà cao hơn 10-20% so với khu vực ô nhiễm.
Theo vietnamfinance
Xem thêm: