Sự thật ít người biết về các thành phần phụ gia trong thực phẩm
Những thành phần phụ gia trong thực phẩm như chất tạo màu nhân tạo, làm ngọt, chất bảo quản được coi là an toàn nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe.
Thêm các thành phần phụ gia vào thực phẩm để làm chúng ngon hơn, trông hấp dẫn hơn hoặc kéo dài thời gian sử dụng là hiện tượng vô cùng phổ biến hiện nay. Trên thực tế, từ xa xưa, tổ tiên loài người đã biết bảo quản thịt bằng cách hun khói, ướp muối.
Kate Patton, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Cleveland cho biết: “Thực phẩm đã qua chế biến thường được thêm vào các chất phụ gia như chất tạo màu, tăng hương vị hoặc chất tăng thời hạn sử dụng. Chúng không phải lúc nào cũng xấu. Hầu hết các loại thực phẩm đều cần chất phụ gia để bảo quản lâu hơn và duy trì giá trị dinh dưỡng”.
Dù vậy, hấp thụ một lượng lớn chất phụ gia có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí BMJ đã chỉ ra, thực phẩm chế biến sẵn chiếm gần 60% trong chế độ dinh dưỡng của người Mỹ. Việc đưa các chất phụ gia vào thực phẩm đem lại lợi ích nhưng cũng dẫn đến một số mặt trái nhất định, trong đó có lạm dụng quá đà các chất này và gây bệnh. Trên thực tế, chế độ ăn uống với nhiều thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến các bệnh mãn tính như béo phì, cao huyết áp, bệnh tim và ung thư.
Những thành phần phụ gia trong thực phẩm như chất tạo màu nhân tạo, làm ngọt, chất bảo quản được coi là an toàn nhưng không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe.
Chất tạo màu nhân tạo
Thử nghiệm của các cơ quan như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho thấy, một số chất tạo màu mới dẫn đến những vấn đề mới và nhiều loại hiện đã bị cấm. Dù vậy, nhiều nhà sản xuất vẫn thêm chúng vào thực phẩm để làm món ăn bắt mắt. Các hóa chất được sử dụng vào mục đích tạo màu nhân tạo có xu hướng chứa những phân tử năng lượng có khả năng phá hủy ADN.
Không những thế, chúng còn làm tổn thương hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng nguy cơ mắc ung thư. Andrew Weil, bác sĩ, người sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Y học Tích hợp Andrew Weil Arizona trực thuộc Đại học Arizona khuyên: “Mọi người nên tránh tiêu thụ thực phẩm có màu nhân tạo càng nhiều càng tốt”.
Chất tăng cường hương vị
Hương vị nhân tạo thường vô hại. Tuy nhiên, bạn có thể lợi dụng chúng để xác định thực phẩm đã qua chế biến hay chưa và chất lượng của thực phẩm. Nếu trên nhãn sản phẩm có ghi hương vị nhân tạo, mọi người nên tránh sử dụng chúng thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.
Chất tạo ngọt “lành mạnh”
Không ít người nhầm tưởng chất làm ngọt không chứa calo là hoàn toàn vô hại. Theo một phân tích tổng hợp bao gồm 37 nghiên cứu trong 10 năm qua, chúng có thể dẫn tới tăng cân, béo phì, huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim. Những hợp chất này cũng góp phần làm phá hủy hệ vi sinh vật trong đường ruột.
Bác sĩ Andrew cho biết: “Nếu bạn muốn sử dụng chất làm ngọt không chứa calo, hãy tìm tới quả la hán hoặc rượu đường erythritol. Chất làm ngọt tự nhiên như sirô lá phong nguyên chất cũng là lựa chọn lý tưởng”.
Chất bảo quản
Chất bảo quản và chất ổn định giúp duy trì mùi vị, kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hình thức của thực phẩm. Chúng ngăn ngừa sản phẩm hư hỏng, duy trì màu sắc và vẻ tươi mới. Tuy nhiên, chất bảo quản cũng có một số mặt trái nhất định. Ví dụ, nitrat và nitrit trong thịt chế biến sẵn và bột ngọt có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, propionat, một chất bảo quản khác, thường được sử dụng trong bánh nướng để làm chậm sự phát triển của nấm mốc, có thể gia tăng nguy cơ mắc béo phì và bệnh tiểu đường. Thay vì dùng hóa chất, mọi người nên tìm tới các thực phẩm chứa những chất bảo quản tự nhiên như vitamin C và E.
Hiện nay có rất nhiều chất phụ gia đã được FDA chứng nhận là an toàn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2014, mỗi năm có 1500 hợp chất mới gia nhập vào thị trường và những hợp chất được coi là an toàn lại không được kiểm tra kỹ lưỡng về tác động lâu dài đối với con người.
Để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bác sĩ Andrew khuyên: “Bạn nên tránh dùng chất phụ gia nhân tạo nhiều nhất có thể. Đồng thời, chế biến thức ăn bằng nguyên liệu tươi mới và tích cực hạn chế tiêu thụ thực phẩm đóng gói sẵn”.
Theo Pháp luật và bạn đọc