Thấp thỏm chờ thưởng Tết

Hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng người lao động cho biết vẫn mong chờ có thưởng Tết dù biết thấp hơn mọi năm khá nhiều.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, nên với phần lớn người lao động, thông tin về thưởng Tết rất được quan tâm dù đây là năm khó khăn bởi dịch Covid-19.

Mong ngóng tiền thưởng Tết

Tròn 3 năm chị Thanh, công nhân may ở một khu công nghiệp tại TP.HCM chưa về quê Hà Tĩnh để đón Tết cùng bố mẹ. Cũng rất muốn về quê ăn Tết, nhưng nghĩ đến chi phí chị lại băn khoăn.

“Nào là tiền tàu xe, quà cáp, tiền mừng tuổi rồi đủ loại chi phí phát sinh, về mấy ngày nhưng tốn gần chục triệu đồng. Với công nhân lao động như tôi, số tiền đó không phải là ít”, chị chia sẻ.

Nhắc tới chuyện thưởng Tết 2021, giọng chị chùng xuống: “Năm nay không khí thưởng Tết trầm lắng hẳn, lượng công việc giảm đi, nhân lực bị cắt, thu nhập thực tế cũng giảm nên tôi không biết có thưởng hay không”. Nữ công nhân này chỉ mong năm nay có tiền thưởng Tết để chị sắp xếp về quê sum họp cùng bố mẹ, người thân trong gia đình.

Thấp thỏm chờ thưởng Tết kinhtetrithuc.vn

Với người lao động, dù nhận được ít hay nhiều thì thưởng Tết vẫn là nguồn khích lệ họ suốt một năm dài nỗ lực. Cùng tâm trạng thấp thỏm chờ thưởng, chị Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết công ty truyền thông của chị hiện vẫn chưa có thông tin về việc thưởng Tết trong khi cùng thời điểm này năm trước đã có công bố.

“Cuối năm, ai cũng mong ngóng tiền thưởng, nhưng năm nay công ty khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh nên cũng chỉ hy vọng mức thưởng Tết duy trì như các năm trước là bằng tháng lương thứ 13”, chị nói.

Nghe người nhà nói chuyện thưởng Tết, không ít người ngậm ngùi vì công ty mình không có, thậm chí còn nợ lương nhân viên. “Năm nay vì dịch bệnh, công ty còn cắt giảm nhân sự, nợ lương nhân viên 2 tháng nay chưa trả chứ đừng mong gì thưởng Tết”, anh Minh, nhân viên của một công ty du lịch ở Hà Nội nói.

Theo chị Đặng Trâm, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, thưởng Tết là động lực để chị cố gắng làm việc. “Dù ít, dù nhiều, số tiền cũng có ý nghĩa rất lớn, nhất là những ai đi làm xa nhà. Sau một năm làm việc vất vả, họ mong được một khoản để có thêm chi phí trang trải cho gia đình”, chị chia sẻ.

Năm nay cũng là lần đầu tiên áp dụng quy định thưởng bằng hiện vật theo Luật Lao động 2019. Theo đó, doanh nghiệp có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật với sự thỏa thuận từ người lao động.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định doanh nghiệp có thể thưởng Tết cho người lao động bằng tiền hoặc hiện vật. Tuy nhiên, theo khảo sát, nhiều người lao động không muốn nhận thưởng bằng sản phẩm, quà tặng.

“Thưởng bằng tiền như trước đây là thực tế nhất. Người được thưởng sẽ có nhiều lựa chọn hơn với số tiền đó, như lo cho gia đình, mua những thứ cần thiết nhất. Còn thưởng bằng hiện vật thì có thể những thứ đó họ không có nhu cầu”, chị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm.

Doanh nghiệp chật vật

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các địa phương gửi báo cáo khảo sát tình hình nợ lương và kế hoạch thưởng Tết với thời hạn là ngày 27/12. Tuy nhiên, dù đến hạn nộp báo cáo lương thưởng Tết nhưng rất ít địa phương gửi về Bộ. Nhiều người lao động dự đoán do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thưởng Tết tại các doanh nghiệp giữ nguyên hoặc giảm so với năm ngoái.

Thấp thỏm chờ thưởng Tết kinhtetrithuc.vn 1

Anh Sơn, Giám đốc Công ty CP má phanh Nam Khánh cho biết năm 2020, tình hình kinh doanh bị tác động mạnh do dịch Covid-19, nhiều tháng giãn cách xã hội khiến công ty anh khó khăn đủ đường. Nói về chuyện thưởng Tết cho nhân viên, anh Sơn trầm giọng: “Tôi còn chưa biết có thưởng Tết cho nhân viên không”.

Với ngành du lịch, năm nay thưởng Tết là chuyện gần như không xảy ra. Thậm chí, giữ được việc làm cho nhân viên đã là một bài toán đau đầu lúc này đối với nhiều công ty. “Năm 2020 là năm buồn của ngành du lịch, chỉ mong không mất việc chứ không mơ đến chuyện thưởng Tết”, chị Minh, nhân viên của một công ty chuyên đặt tour du lịch chia sẻ.

Là một công ty xây dựng nhỏ ở Hà Tĩnh nhưng năm nay doanh nghiệp của ông Anh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng có thưởng Tết cho nhân viên bởi tôi hiểu tâm lý chung của người lao động đều mong chờ thưởng sau một năm dài làm việc vất vả”, ông nói.

Theo ông, để lo được tiền thưởng cho người lao động là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, bởi các đơn vị đều đang rất khó khăn. Do đó, người lao động cũng cần có sự chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hoành hành như năm nay.

Tính đến nay, một số địa phương đã có báo cáo về lương, thưởng Tết như: Đồng Nai có mức cao nhất là 600 triệu đồng/lao động tại một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thấp nhất là một tháng lương; Quảng Trị, mức thưởng cao nhất là 94 triệu đồng; Đà Nẵng, cao nhất là 127 triệu, thấp nhất là 100.000 đồng.

Theo Zing