Tín dụng suy giảm: Bế tắc đầu tư hay hậu quả tăng trưởng kỹ thuật?
Kinhtetrithuc.vn – Chuyên gia về ngân hàng đặt vấn đề: “Tăng trưởng tín dụng giảm, có hay không nguyên nhân là do mấy tháng cuối năm, ngân hàng đẩy tín dụng ảo nên đầu năm trả lại. Câu chuyện này năm nào cũng xảy ra chỉ là ít hay nhiều mà thôi”
Tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2023 tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Điểm đáng chú ý, tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023 khi chỉ riêng trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm phần trăm (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
Khoảng 81.000 tỷ đồng “đóng băng”
Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng đã giảm 0,6% so với cùng kỳ. Theo đó, ước tính đã giảm khoảng 81 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế. Điều này cũng được phản ánh phần nào qua số liệu mà các ngân hàng công bố như đến hết 31/01/2024, tín dụng cuối kỳ của Vietcombank đạt gần 1,24 triệu tỷ đồng, giảm 2,3%, tương đương quy mô giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Hay như tổng dư nợ toàn hệ thống BIDV tính đến 31/1/2024 đạt 1 triệu 725 ngàn tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2023.
Lý giải phần nào câu chuyện tín dụng giảm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, bên cạnh thuận lợi, hoạt động kinh doanh ngân hàng còn đối mặt với nhiều khó khăn. Sức hấp thụ vốn của ngành kinh tế năm 2024 dù đánh giá có khả quan nhưng dự kiến vẫn ở mức thấp. Một số động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp còn chậm. Bên cạnh đó, hoạt động của một số doanh nghiệp còn gặp phải khó khăn, đặc biệt những vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh cũng như thị trường trái phiếu.
“Năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp lớn là vấn đề phải giải quyết trong thời gian dài”, ông Vượng nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, đối với tín dụng bán buôn, các khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến đất đai, cấp phép… là các nguyên nhân chính làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, diễn biến tình kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn hàng sụt giảm… đã khiến các doanh nghiệp còn ngần ngại triển khai đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn vay ngân hàng.
Cùng quan điểm, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV phân tích, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 1/2024 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 25,5% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút; khả năng chịu đựng yếu; nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện đối mặt với các rủi ro về pháp lý đẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Ngoài ra các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023 sẽ hết thời hạn cơ cấu đến 30/6/2024, đến hạn vào năm 2024 – 2025, tạo áp lực trả nợ khi đến hạn.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank nói: “Điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước”.
“Tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng đầu có nguyên nhân là chu kỳ mùa vụ hàng năm của ngành ngân hàng nên không có gì bất thường”, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank nhấn mạnh.
Có hay không chuyện tăng kỹ thuật?
Còn nhớ thời điểm đầu quý 4/2023, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, các chuyên gia kinh tế đều quan ngại tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khả năng chỉ đạt khoảng 12% – 13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14% – 15%. Nguyên nhân được chỉ rõ là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản – cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) giảm mạnh do thị trường gặp nhiều biến động khó khăn. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất vẫn gặp khó khăn, cầu trong nước yếu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đã nhận định: “Cho dù tín dụng tăng mạnh cuối năm 2023, mục tiêu đầu năm là 14% – 15% cũng không dễ thành hiện thực”.
Cụ thể hơn, TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 -15% sẽ không đạt được bởi phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 “kịch trần” chỉ khoảng 11%.
Tổng giám đốc Vietcombank cho biết thêm: “Yếu tố tâm lý và tập quán của nhiều doanh nghiệp và người dân Việt Nam là không vay nợ trong đầu năm cũng là nguyên nhân làm giảm dư nợ tín dụng trong tháng 1/2024”.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank còn dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 chỉ ở mức 9,6%-10,7%
Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại cho thấy câu chuyện hơi khác khi tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023. Chỉ riêng trong tháng 12/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm phần trăm (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
Cụ thể, xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm 2023, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt tăng 6,95%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,29%; ngành thương mại dịch vụ tăng 15,83%. Tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, đến cuối năm 2023 tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 11,56%; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 13,61%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 6,57%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lần lượt tăng 26,18% và 17,52%. Tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối năm 2023 tăng 7,83% so với cuối năm 2022, chiếm 21,19% dư nợ nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia phân tích đặt vấn đề: “Tăng trưởng tín dụng giảm, có hay không nguyên nhân là do mấy tháng cuối năm, ngân hàng đẩy tín dụng ảo nên đầu năm trả lại. Câu chuyện này năm nào cũng xảy ra chỉ là ít hay nhiều mà thôi”.
Trong diễn biến có liên quan đó đến dư nợ giảm là số liệu huy động cũng giảm. Thông tin của NHNN cho biết, tính đến ngày 31/1/2024, số dư huy động toàn hệ thống đạt 13.633.072 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm 2022, số dư huy động vốn giảm 1,4%; trong đó huy động bằng VND giảm 0,99%; ngoại tệ giảm mạnh 6,73%. Hoạt động huy động vốn giảm trong tháng đầu năm cũng là hiện tượng bình thường khi doanh nghiệp và người dân đều có nhu cầu chi tiêu lớn. Tháng 1/2023, tăng trưởng huy động cũng cũng giảm 0,57% so với cuối năm 2022.
Theo vietnamfinance.vn
Xem thêm: