‘Từ vụ Hoài Linh, công chúng có thể sẽ mất niềm tin vào việc từ thiện’

“Nghệ sĩ Hoài Linh sai khi không thông báo kịp thời về kế hoạch giải ngân sau khi đã quyên góp, vận động số tiền từ thiện lớn”, đại diện một tổ chức từ thiện chia sẻ.

Ngày 24/5, trước phản ứng từ dư luận, nghệ sĩ Hoài Linh lên tiếng thừa nhận vẫn giữ số tiền từ thiện hơn 13 tỷ đồng trong tài khoản, chưa kịp giải ngân. Danh hài khẳng định không khuất tất, biển thủ tiền và hứa sẽ đến tận nơi để giúp đỡ bà con miền Trung khi hết dịch.

Trao đổi về sự việc, đại diện của các nhóm thiện nguyện tại Việt Nam đánh giá lỗi sai lớn nhất của Hoài Linh là không minh bạch và thiếu rõ ràng trong kế hoạch giải ngân tiền từ thiện.

Công chúng mất niềm tin

Bà Đỗ Thị Nga – Trưởng ban Thường trực Mạng lưới tình nguyện Quốc gia khu vực miền Trung – cho rằng sự chậm trễ của Hoài Linh gây mất niềm tin và có thể ảnh hưởng phần nào tới các hoạt động kêu gọi từ thiện sau này.

“Tôi không nghĩ anh Hoài Linh muốn biển thủ số tiền đó. Đúng sai sẽ có pháp luật vào cuộc”, bà Nga chia sẻ.

Theo bà Nga, vụ việc vướng mắc ở chỗ Hoài Linh không cung cấp thông tin tổng số tiền, cách xử lý, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện. “Tôi nghĩ anh Hoài Linh muốn quyên góp tiền để khắc phục khó khăn cho bà con sau lũ nhưng anh lại để số tiền trong tài khoản quá lâu và từ đây nhiều lùm xùm xảy ra, công chúng đã mất niềm tin”, bà Nga nói.

Bà Nga cho rằng vụ việc của nghệ sĩ Hoài Linh ảnh hưởng đến những thủ lĩnh tình nguyện chân chính, cống hiến ngày đêm cho công tác thiện nguyện, an sinh. Việc thiện nguyện nói chung, từ đây sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, việc thiện nguyện đang cần nhân rộng, bỗng nhiên lại chịu ảnh hưởng từ vụ việc này.

“Sau sự việc này của Hoài Linh, niềm tin của công chúng vào công tác thiện nguyện trở nên quá mong manh”, bà Nga nhận địnhHoài Linh lên tiếng về hơn 13 tỷ đồng tiền quyên góp vẫn nằm trong tài khoản cá nhân suốt thời gian qua. Ảnh: NVCC.

Từ vụ Hoài Linh, công chúng có thể sẽ mất niềm tin vào việc từ thiện - kinhtetrithuc.vn 1
Hoài Linh lên tiếng về hơn 13 tỷ đồng tiền quyên góp vẫn nằm trong tài khoản cá nhân suốt thời gian qua. Ảnh: NVCC.

Chị Ngô Thị Nhung, quản lý một tổ chức tình nguyện có quan điểm tương tự. Việc các mạnh thường quân mất niềm tin sau vụ việc của Hoài Linh là khó tránh khỏi.

“Khi làm thiện nguyện, việc chậm trễ với các lý do khách quan là có. Nhưng mỗi lần thay đổi như thế trưởng ban tổ chức có thông báo sớm nhất cho cộng đồng”, chị Nhung nói.

“Ở đây Hoài Linh để trễ không thực hiện chương trình tận 6 tháng và không có thông báo nào cho cộng đồng biết về lý do là Hoài Linh đã sai. Chưa kể, có những thắc mắc về các khoản mọi người chuyển không được thống kê đầy đủ sau thời gian Hoài Linh chốt sổ”, chị Nhung đưa quan điểm.

Theo chị Ngô Thị Nhung, việc rà soát để có con số chính xác, sau đó thông báo đầy đủ, minh bạch cho cộng đồng biết là cần thiết khi làm từ thiện.

Tương tự, anh N.T – đại diện một tổ chức phi chính phủ, nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thiện nguyện tại Việt Nam – chỉ ra nghệ sĩ Hoài Linh sai ở điểm không thông báo kịp thời về kế hoạch giải ngân sau khi đã quyên góp, vận động số tiền lớn.

“Trong những thời điểm khó khăn, việc một nghệ sĩ đứng ra kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội là hành động đáng quý. Nếu trong quá trình thực hiện, họ có điểm gì sai, mọi người nên góp ý về mặt cách thức để cá nhân đó rút kinh nghiệm”, anh khẳng định.

“Giải ngân phải minh bạch”

Anh N.T cho biết một cá nhân (nghệ sĩ hay người bình thường) khi đứng ra kêu gọi quyên góp, từ thiện đều phải minh bạch, rõ ràng trong việc giải ngân.

“Ngay từ khi bắt đầu vận động, kêu gọi quyên góp, bạn phải thường xuyên cập nhật, công khai số tiền để người ủng hộ nắm được. Ví dụ, hôm nay tôi nhận được số tiền bao nhiêu, từ ai, kế hoạch giúp đỡ những khu vực nào, đã liên hệ với lãnh đạo địa phương ra sao… Khi kết thúc quá trình kêu gọi, người đứng ra vận động phải thông báo tạm dừng, chốt sổ. Tất cả đều phải công khai, rõ ràng”, anh T cho biết.

Anh Hoàng Hoa Trung – cán bộ hỗ trợ mạng lưới Tình nguyện Quốc gia – cho rằng tình nguyện, từ thiện không phải cứ muốn làm là được. Việc này đòi hỏi sự hiểu biết thực tế, trải nghiệm và trách nhiệm. Ngoài ra, phải có nguồn tin nhanh nhạy và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để biết trước, trong và sau dịch, đoàn cần làm gì để giúp đỡ bà con.

Nghệ sĩ Hoài Linh vận động quyên góp, hỗ trợ bà con vùng lũ vào cuối năm 2020. Ảnh: Phương Lâm.

“Kể cả đã làm 14 năm công tác tình nguyện nhưng tôi không thể nói các mạnh thường quân là cứ đưa tiền cho tôi. Thay vào tôi phải có trách nhiệm dùng số tiền đó cho đúng. Phải tìm hiểu kỹ bà con đang cần gì và liệu đã có đoàn từ thiện nào tặng bà con cái đó chưa. Không thể thấy đoàn trước tặng mỳ tôm thì mình dùng cả 13 tỷ đồng để mua mỳ tôm được. Gây được quỹ không khó khăn bằng việc chi tiêu sao cho chuẩn xác”, anh Trung nói.

Điểm mấu chốt mang tính quan trọng nhất của kế hoạch từ thiện dưới góc nhìn của anh Hoàng Hoa Trung chính là sự tính toán hợp lý các mặt hàng thiết yếu của nơi cần hỗ trợ – để chi tiêu, giải ngân “vừa đúng, vừa trúng”. Phải tìm hiểu thấu đáo, người dân nơi đó đang cần điều gì nhất, từ đó tính toán thời điểm và kế hoạch chi tiêu.

“Như thời điểm dịch bệnh vừa rồi, nhiều người ủng hộ khẩu trang, nước sát khuẩn, kính, rồi đồ ăn, mỳ tôm. Khi Nậm Pồ, Điện Biên bị cách ly hàng nghìn người, áp lực của người nấu ăn rất căng thẳng. Khi đó, người ta vẫn nấu bằng bếp, thiếu củi trầm trọng. Đoàn tôi quyết định ủng hộ 22 bộ bếp, bình gas công nghiệp.

Điều quan trọng khi làm từ thiện, tình nguyện là chi tiêu chuẩn, không thừa thãi và kịp thời. Phải chi vào thời điểm căng thẳng nhất. Càng chi sớm, chi đúng tức càng làm hiệu quả”, anh Hoàng Hoa Trung nhấn mạnh.

“Không bao giờ kêu gọi từ thiện khi chưa có kế hoạch cụ thể”

Chị Phạm Thị Hương Giang – Chủ tịch Sống Foundation – chia sẻ trải qua 8 năm hoạt động, chị rút ra kinh nghiệm: “Không bao giờ gây quỹ khi chưa lên kế hoạch cụ thể”.

Chị Hương Giang cho rằng việc gây quỹ khi chưa có kế hoạch rõ ràng, cụ thể sẽ khiến người phụ trách quỹ rơi vào thế bị động, thậm chí có thể bị “ngợp” trước một số tiền lớn, không biết cách để giải ngân, chi tiêu như thế nào cho hợp lý.

“Vào tháng 10 hàng năm, tôi và các cộng sự đều tiến hành một cuộc họp quan trọng để lên kế hoạch hành động cho giai đoạn tiếp theo. Khi đã quyết định kêu gọi vận động quyên góp nghĩa là chúng tôi đã có chương trình hành động cụ thể và dài hạn. Không có chuyện kêu gọi rồi mới bắt đầu tính toán”, chị Hương Giang cho biết.

Sau khi đã gây quỹ đủ cho chương trình, chủ tịch của Sống Foundation sẽ thông báo dừng lại nhằm mục đích kiểm soát tốt nhất số tiền kêu gọi.

“Chúng tôi luôn cập nhật từng khâu từ lớn đến nhỏ trong chương trình gây quỹ qua tất cả các kênh như website, fanpage của tổ chức. Để đảm bảo uy tín, chuyên nghiệp, mọi thứ phải minh bạch. Quá trình giải ngân cũng rõ ràng, không để chênh một đồng”, chị cho biết.

Chị Hương Giang kể lại năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án trồng rừng ngập mặn ở một số địa phương của Sống Foundation không thể tiến hành theo kế hoạch ban đầu.

Chị Phạm Thị Hương Giang – Chủ tịch Sống Foundation. Ảnh: NVCC.

Trong trường hợp đó, chị cùng đồng nghiệp đã đưa ra giải pháp khắc phục bằng việc tiến hành nghiên cứu kĩ hơn về dự án, chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho năm sau. Song song với đó, quỹ đã gửi email cho các doanh nghiệp tài trợ, mạnh thường quân để chia sẻ về sự thay đổi của kế hoạch.

“Ngoài thông báo qua email, các kênh của tổ chức, tôi còn gặp gỡ trực tiếp để tạo niềm tin cho họ. Nói chung, trong mọi trường hợp, tôi đều cố gắng minh bạch nhất có thể”, chị nói.

MC Đại Nghĩa kể lại trong quá trình làm từ thiện, điều quan trọng nhất là phải chỉn chu, rõ ràng, để tránh những nghi ngờ, ồn ào không đáng có.

“Trước đây, tôi cũng có ồn ào, vẫn có lần bị hiểu lầm, người ta nói mình không hay. Nhưng sau những lần như vậy, tôi rút được kinh nghiệm. Nếu người ta nghi ngờ, đặt dấu chấm hỏi thì mình cần làm chỉn chu hơn để thấy rõ ràng, minh bạch. Trên trang cá nhân, tôi luôn cập nhật mình đã làm như thế nào và làm những gì. Và nếu ai muốn chia sẻ, đóng góp thì có thể tham gia”, Đại Nghĩa trả lời trong một bài phỏng vấn với Zing.

Theo Đại Nghĩa, để xây dựng mô hình từ thiện chuyên nghiệp, quy củ, kinh nghiệm của anh là cố gắng tìm những cộng sự thân thiết, tin tưởng ở khắp các tỉnh thành.

“Làm sao mà sức một người đi hết được, mình phải có những cộng sự hiểu từng địa bàn. Đó là cách tôi làm từ thiện nhiều năm qua”, anh cho biết.

Theo Zing