Vì sao áo quần luôn được bán với giá gấp nhiều lần giá vốn?

Không phải ai cũng biết, áo quần thời trang luôn được bán gấp 3, gấp 7 cho đến gấp trăm lần chi phí làm ra chúng. Tất nhiên, đây là một bí mật. Khi biết được điều này, nhiều người sẽ nghĩ, phải chăng chúng ta đang bị “móc túi” để rinh về một món đồ thời trang?

Chi phí sản xuất 

Khi bước chân vào một cửa hàng thời trang, tìm thấy món hàng ưng ý, điều đầu tiên bạn muốn làm là gì? Là tìm sản phẩm phù hợp với kích cỡ của mình và thử chúng. Mặc dù vài năm trở lại đây, sản phẩm freesize trở nên phổ biến để phù hợp với đa số người mặc. Tuy nhiên, vì mỗi người đều sở hữu một vóc dáng khác nhau, nên áo quần cần được sản xuất theo từng kích cỡ riêng. Một mẫu áo thun bình thường có thể dán mác “freesize”, nhưng một chiếc áo kiểu sẽ được làm với 3 size phổ biến là S, M, L, còn về quần có thể là từ 25, 26, 27… đến 31,32 hoặc hơn thế. 

Khi đặt hàng sản xuất, rất ít thương hiệu nào chỉ đặt sản phẩm một size duy nhất. Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho sản phẩm mẫu trước khi bước qua công đoạn sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên khi bán hàng hóa, lại không phải lúc nào sản phẩm cũng được bán hết toàn bộ size của một mẫu. Thông thường những sản phẩm thuộc size bé hoặc lớn sẽ còn sót lại, và để “đẩy” chúng đi buộc các thương hiệu phải “sale-off”. Nên một món đồ được bán với chi phí cao nhiều lần để gánh phần của những sản phẩm “ở lại”.

Hàng tồn 

Có một điều khác biệt rõ ràng trong lĩnh vực thời trang, đó quần áo là mặt hàng được bán theo mùa, theo mốt, chứ không bán từ năm này sang năm khác như những sản phẩm khác. Trừ một số mặt hàng không bao giờ lỗi mốt, như áo thun basic, quần jean, áo blazer… đa số các kiểu dáng thời trang thường lỗi mốt sau vài tháng ra mắt. 

Một số món hàng xu hướng còn gặp tình huống bão hòa trên thị trường khi các thương hiệu ra mắt đồng loạt. Ít sản phẩm thời trang nào có thể sản xuất ở năm nay rồi tiếp tục bán vào năm tới (vẫn có nhưng rất ít). Một số thương hiệu nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mang tính “signature”, đơn cử như túi Birkin của Hermès, một phần vì chúng có vòng dài đời dài và mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Vì thế khi mới ra mắt các sản phẩm cần được định giá cao. Nhưng điều này không có nghĩa là các thương hiệu có thể thu lợi nhuận nhiều, bởi sau vài tháng họ sẽ còn xử lý hàng tồn còn sót lại. 

Xây dựng thương hiệu 

Có một câu nói kinh điển về thời trang, đó là “các thương hiệu thời trang xa xỉ họ không bán sản phẩm, mà cái họ bán đó là thương hiệu”. Người ta không mua chiếc túi chỉ để đựng đồ khi đi ra đường (bằng không thì một chiếc tote vài chục nghìn đồng đã đáp ứng được), người ta còn cần một chiếc túi nói thay về con người và phong cách của họ. 

Các thương hiệu xa xỉ ra mắt những cửa hàng hoành tráng ở những khu vực trung tâm để khẳng định đẳng cấp thương hiệu và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Chanel và Hermès thậm chí còn tăng giá bán và giới hạn số lượng hàng hoá được mua trong năm 2021, để người sở hữu chúng có thể khẳng định đẳng cấp cá nhân. Khi hàng hoá mang “tag” giá càng cao, để bán được chúng thương hiệu phải tạo nên giá trị sang trọng (Added Luxury Value) cho sản phẩm.

Giá trị sang trọng là một giá trị hoàn toàn vô hình, nó không được tạo ra từ sản phẩm, mà được tạo ra từ thương hiệu sở hữu sản phẩm đó. Để hiểu thêm về giá trị này bạn có thể đọc thêm về cách mà Chanel bán một chai nước với giá 75USD mà vẫn cháy hàng.

Chi phí vận hành

Các thương hiệu phải chi trả các khoản cho mặt bằng, xây dựng cửa hàng, điện nước, nhân viên… Kể cả khi chỉ bán online, chi phí để thuê nhân viên sản xuất nội dung và hình ảnh, chi phí quảng cáo là không thể không có. Nên với việc kinh doanh thời trang, tìm cách giải bài toán để cân bằng giữa doanh số bán được và chi phí vận hành là điều không đơn giản chút nào, kể cả với những người kinh doanh lâu năm. 

Vậy, nếu như việc kinh doanh thời trang gặp nhiều rủi ro như thế, vì sao vẫn có nhiều thương hiệu phát triển? Họ làm sao để có doanh thu tăng trưởng hàng năm? Theo tờ Fashion Law, doanh thu của Chanel không đến từ việc bán áo quần, trong khi đó họ còn đầu tư chi phí cho các cửa hàng, các show diễn thời trang, các ngôi nhà thủ công, các quỹ nghiên cứu bền vững, các quỹ từ thiện, v.v… Điều này cũng tương tự với nhiều thương hiệu khác để xây dựng vị thế thương hiệu của mình. Phần lớn doanh thu của Chanel thu lại từ nước hoa, túi xách và phụ kiện. 

Một số thương hiệu được đầu tư từ các quỹ để phát triển. Một số khác vẫn có doanh số nếu biết cách cân bằng doanh số và chi phí đầu tư. Nhưng nhìn chung, việc kinh doanh thời trang cần đòi hỏi một chiến lược kinh doanh phù hợp, một tầm nhìn bao quát cùng một định hướng bền vững. 

Hoa Liên

Tổng hợp Brightside, Huffington Post