9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất chỉ từ 4%/năm
Kinhtetrithuc.vn – Các ngân hàng thương mại chuẩn bị nguồn tín dụng 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng nguồn vốn giá rẻ, với lãi suất khoảng 4-6%/năm.
Thông tin này được ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM – cho biết tại hội thảo “Tháo van tín dụng – khơi thông tăng trưởng” được tổ chức sáng nay.
Ông Lệnh đánh giá hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện chính sách tín dụng của NHNN đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo 2 xu hướng tích cực.
Đối với doanh nghiệp còn khó khăn thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
Quá trình hỗ trợ này đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… với mức lãi suất chưa đến 4%/năm.
Cũng theo ông Lệnh, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng cho nền kinh tế như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn… Song tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, nguyên nhân chủ yếu đến từ môi trường kinh tế suy yếu nên khả năng hấp thụ vốn thấp.
Tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt 7,39%, trong khi mục tiêu cả năm là 14-15%.
Tín dụng tiêu dùng đô thị lớn như TP.HCM chỉ tăng trưởng 1,36%, trong khi tín dụng chung là gần 5%. Hoạt động cho vay mua nhà để ở giảm 0,3%. Đều này phản ánh rất rõ yếu tố thu nhập của khách hàng đã giảm đi đáng kể.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm nay, đại diện của NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ thì rất cần các giải pháp và chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, sẽ tập trung khai thác “tính chất mùa vụ”.
Thông thường nhu cầu vốn rất cao trong dịp Tết, nhất là với lĩnh vực sản xuất tiêu dùng và du lịch, do đó các ngân hàng cần đáp ứng tốt các nhu cầu vốn ngắn hạn này, duy trì thanh toán thông suốt.
“Với hoạt động cho vay bình ổn thị trường, chúng tôi đang tham gia giải ngân với các lãi suất rất thấp chỉ khoảng 4-6%/năm”, ông Lệnh cho biết về hoạt động cho vay ngắn hạn để giúp các doanh nghiệp giảm giá thành và ổn định giá bán dịp Tết.
Tổng mức giải ngân hoạt động bình ổn thị trường này khoảng 9.000 tỷ đồng, cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng Tết cũng như các doanh nghiệp tham gia vào kênh phân phối hàng hóa cho người dân.
Đại diện HDBank cho hay đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện hồ sơ, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi. Đối với tính chất mùa vụ cuối năm cho vay thực chất không có nhiều lợi nhuận, bởi lãi suất huy động vốn hồi giữa năm rất cao trong khi lãi suất cho vay hiện nay đã giảm sâu. Tại HDBank lãi suất đã giảm khoảng 2%-2,5% so với trước đây và đang có gói tín dụng cho vay chỉ từ 6,5%/năm.
Đại diện Agribank thông tin rằng ngân hàng đến nay đã có 7 đợt giảm lãi suất cho vay, đưa mặt bằng về mức thấp nhất thị trường và tương đương với mức trước đại dịch Covid-19.