“Cơn bão Tesla” đưa Elon Musk thành tỷ phú giàu nhất hành tinh
Elon Musk giàu lên nhờ sự ổn định của hãng xe điện Tesla. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Tesla đang tăng chóng mặt, nhanh hơn nhiều so với tốc độ kiếm lời và mở rộng của hãng.
Đồng tiền mã hóa Bitcoin bị coi là “bong bóng” sau khi tăng gần 400% trong vòng một năm. “Nhưng hãy nhìn vào cổ phiếu của hãng xe điện Tesla”, Bloomberg dẫn lời bà Meltem Demirors, Giám đốc chiến lược tại CoinShares, bình luận.
Chỉ trong vòng một năm, giá cổ phiếu của Tesla tăng xấp xỉ 743% nhờ doanh thu ổn định và kỳ vọng của các nhà đầu tư lẻ. Đà tăng phi mã giúp giá trị tài sản ròng của nhà sáng lập Elon Musk vọt lên hơn 150 tỷ USD trong năm 2020.
Lúc 10h15 sáng 7/1 (theo giờ New York), tỷ phú gốc Nam Phi chính thức vượt mặt Jeff Bezos trở thành người giàu nhất hành tinh. Ông nắm giữ khối tài sản trị giá 188,5 tỷ USD, hơn ông chủ Amazon 1,5 tỷ USD. Ngoài 20% cổ phần Tesla, ông Elon Musk còn có quyền mua cổ phiếu trị giá khoảng 42 tỷ USD của hãng.
Hôm 2/1, Tesla thông báo đã sản xuất hơn nửa triệu chiếc xe điện vào năm 2020. Nếu trở lại ba năm trước, đó là một cột mốc không tưởng. Trong thông cáo đăng trên trang web chính thức, Tesla cho biết đã giao 180.570 xe trong quý IV/2020, nâng tổng số năm 2020 lên 499.550 chiếc, theo New York Times.
Doanh thu ổn định
So với năm 2019, tổng doanh thu năm 2020 của Tesla tăng 36%. Bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, năm 2020 là năm thắng lớn của Tesla. Một số nhà sản xuất ôtô khác cũng chứng kiến doanh số bán hàng leo dốc. Tuy nhiên, không hãng nào đạt mức tăng nhanh chóng như Tesla.
Các nhà đầu tư Phố Wall ngày càng lạc quan về triển vọng tăng giá của cổ phiếu Tesla. “Chúng tôi tin rằng với sức mạnh mà Tesla đang phát triển ở Trung Quốc, đà tăng mới đây tại châu Âu và Mỹ, việc doanh số quý đạt 190.000-200.000 chiếc là hoàn toàn nằm trong tầm tay”, New York Times dẫn lời chuyên gia Dan Ives của Wedbush bình luận.
Nhà sản xuất ôtô của tỷ phú Elon Musk có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt vào năm 2021. Mới đây, Ford Motor bắt đầu bán mẫu xe thể thao đa dụng (S.U.V) điện Mustang Mach E. Trong khi đó, startup ôtô Rivian sẽ ra mắt dòng xe bán tải chạy điện và mẫu S.U.V mới vào mùa hè tới. Một số “tay chơi” khác cũng sẵn sàng nhảy vào cuộc chiến.
Tesla cũng gặp phải những thách thức riêng. Doanh số bán hàng của mẫu sedan hạng sang Model S và Model X S.U.V – các sản phẩm có lãi lớn nhất của hãng – đã sụt giảm. Công ty còn đối mặt với các câu hỏi về chất lượng xe.
Hãng xe cũng không thể thực hiện được lời hứa đầy tham vọng của ông Musk. Đó là sản xuất một triệu chiếc Tesla tự lái vào cuối năm 2020. Hiện, công ty vẫn chưa thể đưa ra bất cứ chiếc xe nào có khả năng vận hành mà không cần người lái.
Tuy nhiên, Tesla vẫn báo lãi trong bốn quý liên tiếp vừa qua. Cổ phiếu của Tesla cũng được thêm vào chỉ số S&P 500. Các nhà đầu tư định giá Tesla cao hơn giá trị vốn hóa thị trường của cả Toyota Motor, Volkswagen, General Motors và Ford cộng lại.
Tesla cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất của hãng tại Trung Quốc. Điều này giúp thúc đẩy doanh số bán hàng ở đất nước 1,4 tỷ dân. Ngoài Trung Quốc, hãng xe cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy gần Berlin (Đức) và Austin (Texas, Mỹ).
Giới đầu tư “phát cuồng”
Trên thực tế, Tesla tập trung vào phân khúc xe điện nhỏ nhưng tăng trưởng nhanh. Các nhà đầu tư tin rằng hãng sẽ không đánh mất thị trường xe điện. Công ty đầu tư ARK từng dự báo giá cổ phiếu Tesla có thể đạt 7.000 USD sau 5 năm nhờ tăng lợi nhuận, giảm chi phí và gây dựng một mạng lưới taxi tự lái.
Nhưng vấn đề là vốn hóa của Tesla đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức độ cải thiện hiệu suất và tốc độ mở rộng của hãng này. Trên thực tế, các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào tương lai của hãng nhiều hơn là những số liệu hiện tại. Điều mà giới đầu tư thực sự quan tâm là việc Tesla sẽ hoạt động ổn thỏa trong tương lai, tiếp tục đánh chiếm thị trường xe điện màu mỡ và thậm chí xây dựng mạng lưới taxi tự lái đầy hứa hẹn.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi giá cổ phiếu của Tesla tăng quá nhanh, thậm chí chẳng cần liên quan đến lợi nhuận của hãng. Nền kinh tế sa sút vì đại dịch cũng không ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Ngay cả khi triển vọng về taxi tự lái của Tesla ngày một lùi xa, các nhà đầu tư Phố Wall vẫn lựa chọn nhìn vào tương lai tươi sáng hơn. Đó là lý do hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của cổ phiếu Tesla lên đến 800,04. Tỷ số này dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu và tỷ số thu nhập trên cổ phần, tức nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu trên thị trường.
Theo chuyên gia Daniel Ives, các nhà đầu tư lẻ đổ xô vào cổ phiếu Tesla, đẩy giá cổ phiếu đi lên. Nhưng ngay cả những nhà đầu tư tổ chức lớn cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội. Ông Craig Irwin, chuyên gia phân tích tại Roth Capital Partners, nhận thấy nhiều nhà quản lý quỹ xem Tesla giống một đại gia công nghệ tầm cỡ Netflix, Facebook… Do đó, cổ phiếu Tesla dễ dàng vượt mặt những đối thủ sản xuất xe truyền thống và tăng phi mã theo “kiểu cổ phiếu công nghệ”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Financial Times dẫn một số nguồn tin ở Phố Wall cho biết trong thời gian qua, tập đoàn Nhật Bản SoftBank đã chi hàng tỷ USD mua hợp đồng quyền chọn cổ phiếu công nghệ, bao gồm cổ phiếu Tesla, đẩy số lượng giao dịch hợp đồng quyền chọn lên mức cao chưa từng thấy tại trung tâm tài chính Mỹ.
Theo New York Times, một động lực khác cho đà tăng của cổ phiếu Tesla đến từ chính những nhà đầu tư vốn không tin tưởng vào triển vọng của hãng. Hồi cuối năm 2019, hãng tin CNBC khẳng định Tesla là cổ phiếu bị bán khống mạnh nhất trên thị trường Mỹ, và là cổ phiếu xe hơi bị bán khống mạnh nhất trên toàn thế giới.
Cụ thể, các nhà đầu tư vay cổ phiếu Tesla để bán khống. Họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm đi trong tương lai. Khi tới hạn, họ mua cổ phiếu với giá rẻ hơn để hoàn trả. Như vậy, những nhà giao dịch bán khống sẽ hưởng lãi chính bằng khoản giảm giá của cổ phiếu Tesla. Nhưng nếu giá cổ phiếu tăng, họ sẽ lỗ.
Do đó, khi giá cổ phiếu tăng lên, nhóm này sẽ mua thêm cổ phiếu để thu hẹp khoản lỗ. Chính điều này có thể đẩy giá Tesla lên cao hơn nữa, làm gia tăng xu hướng trên. Thêm vào đó, việc Tesla có mặt trong S&P 500 với tốc độ tăng giá phi mã có nghĩa là các quỹ đầu tư thụ động sẽ phải bán ra hàng chục tỷ USD những cổ phiếu khác, nhường chỗ cho cổ phiếu của hãng xe điện này.
Cơn sốt cổ phiếu Tesla đã khiến ông Elon Musk trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh. Nhưng dường như ông chẳng mấy quan tâm đến những giá trị vật chất. Trong cuộc phỏng vấn với hãng Axwl Springher hồi tháng trước, tỷ phú Elon Musk khẳng định mục đích kiếm tiền là “đẩy nhanh sự tiến hóa của nhân loại và bước sang nền văn minh du hành vũ trụ mới”.
“Tôi muốn đóng góp cho thành phố trên Hỏa tinh trong tương lai. Điều này rất tốn kém”, người đàn ông giàu nhất hành tinh tiết lộ.
Theo Zing