Quyết liệt hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Kinhtetrithuc.vn – Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển.
Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để cắt giảm các khoản chi, nhất là chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
Đặc biệt, nghị quyết yêu cầu thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển.
Theo đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan và địa phương triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” và gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TN-MT hoàn thành việc hướng dẫn tính giá đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương trình Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các địa phương trong tháng 9 năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến thị trường BĐS, sau hàng loạt các giải pháp tháo gỡ, tình hình có phần “dễ thở” hơn so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chồng chất khó khăn.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho hay hiện nay, hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án BĐS phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu BĐS và vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, dòng tiền từ các kênh này, đều đang “trục trặc”.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có một số tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa giải quyết được nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026. Đó là hệ lụy của sự bùng nổ của thị trường TPDN với số lượng phát hành tăng đột biến vào giai đoạn 2019 – 2021.
“Nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà. Trong khi điều kiện vay tín dụng ngân hàng ngày càng có xu hướng “thắt chặt” để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô”, VARS nêu và cho rằng việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch,… trên thị trường gần như bị ngưng trệ.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng 2 vấn đề nghiêm trọng nhất của thị trường BĐS là vốn và pháp lý, hiện đều chưa được giải quyết triệt để, trong khi 2 vấn đề này có liên quan mật thiết đến nhau.
“Nếu dự án không đầy đủ pháp lý thì không thể vay được vốn ngân hàng. Hơn nữa, các vấn đề về thị trường TPDN cũng chưa được giải quyết triệt để, chủ yếu mới gia hạn nợ”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho rằng thời gian qua các doanh nghiệp BĐS cũng đang tái cơ cấu, giảm giá bán, đầu tư hoặc chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, M&A… nhưng nhìn chung giá nhà vẫn cao và người dân vẫn chưa có động lực để đầu tư trở lại.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, đối với những doanh nghiệp BĐS uy tín trên thị trường, có tiềm năng để bán được hàng thì các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay vốn.
Còn theo VARS, mặc dù ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ DN và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi,… doanh nghiệp (DN) và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Bởi các DN BĐS không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.
Một nhóm các DN đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý. Một nhóm các DN đã sẵn sàng để tiếp cận với nguồn vốn lại gặp khó khăn do khó hấp thụ vì lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao so với khả năng chịu đựng của DN. Một nhóm các DN còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.
Để DN BĐS có thể cũng như hấp thụ các nguồn vốn mới, VARS cho rằng các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để.
Theo đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và TPDN), cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư BĐS – REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa BĐS…), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài)…
Xem thêm: