Hiện trạng khu ký túc xá ‘nghìn tỷ’ chuyển thành nhà ở xã hội cho thuê

Kinhtetrithuc.vn – Đầu năm 2023, dự án nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được thành phố Hà Nội chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội cho thuê. Dự án có tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng đã đi vào vận hành từ năm 2015, tuy nhiên, đến nay nhiều tòa nhà vẫn nằm “trơ khung”, thậm chí còn chưa xây dựng.

UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 với việc phát triển hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với nguồn vốn khoảng 12.500 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến dành khoảng 223,9 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 và chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành nhà ở xã hội cho thuê đối với dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Dự án sắp được chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội này được khởi công từ tháng 9/2009, với tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh gần 1.900 tỷ đồng cho 6 hạng mục nhà chính. Hiện khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp vẫn còn 2 khu nhà A2, A3 đang xây dựng dở dang, thậm chí khu nhà A4 chưa xây dựng được, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp nằm gần cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (Ảnh: VN)
Toà nhà A1 của dự án trước đây bố trí làm nơi cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19 đến nay đóng cửa không hoạt động (Ảnh: TN)

Mặc dù đã được bàn giao từ năm 2015, nằm ở khu vực có giao thông đông đúc, có thời điểm khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp đã tiếp nhận được đến 80% sinh viên đến ở. Tuy nhiên hiện nay trong số 3 khối nhà cho sinh viên vào thuê, chỉ có duy nhất 1 khối nhà đang hoạt động, với số lượng sinh viên đến ở chiếm khoảng 30%, còn 2 khối nhà khác thì không hoạt động.

Những khối nhà “trơ khung” của dự án vẫn bất động từ năm 2015 (Ảnh: TN)

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định nguyên nhân của tình trạng trên là do vị trí của dự án không phù hợp, không gần các trường đại học, xung quanh không có đầy đủ tiện ích cho người đến ở…, nên không thu hút được sinh viên, gây lãng phí rất lớn về quỹ đất, quỹ nhà ở.

Trước đó, dự án được thiết kế gồm 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) với hơn 1.400 phòng, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học. Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị. Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).

Hiện trạng khu nhà A5 và A6 đang có sinh viên ở nhưng vẫn toát lên sự vắng vẻ, u ám (Ảnh: TN)
Nhiều sinh viên sau khi ở đây một thời gian phải chuyển đi vì sự bất tiện về đi lại và tiện ích xung quanh (Ảnh: TN)

Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên phải đến đầu năm 2023, thành phố Hà Nội mới chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án, bằng tiền ngân sách. Dự kiến việc hoàn thiện dự án và chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội này sẽ hoàn tất trong năm 2025.

UBND thành phố Hà Nội dự kiến thời gian hoàn thiện dự án và chuyển đổi sang nhà ở xã hội cho thuê trong năm 2025 (Ảnh: TN)

Hiện nay, 2 khu nhà A2, A3 tại một số khu vực xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, tường rêu mốc, lan can hoen gỉ… Bên cạnh đó, một số hạng mục của dự án trong tình trạng “bao phủ” bởi cây cối mọc um tùm, cỏ dại phủ kín. Không những vậy, tại các khu đất bỏ hoang của dự án “nghìn tỷ” này còn đang dần biến thành khu “ổ chuột” do một số người dựng lều lán tại đây để ở, kinh doanh, trông xe… khiến cho khu vực này trở nên lộn xộn, nhếch nhác.

Nhiều khu vực của dự án thành nơi đổ rác, gây mất vệ sinh (Ảnh: TN)
Tại khu đất trống của dự án “mọc lên” nhiều công ty vận chuyển, nơi tập kết xe ô tô (Ảnh: TN) 
Xung quanh dự án người dân tự ý dựng lều lán để kinh doanh (Ảnh: TN)

Theo VietNamFinance

Xem thêm: