Gần 20 sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM chấm dứt hoạt động
Kinhtetrithuc.vn – Sự trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS) kéo dài suốt thời qua đã khiến các sàn môi giới lần lượt điêu đứng, thậm chí chấm dứt hoạt động chỉ sau vài tháng thành lập.
17 sàn giao dịch BĐS chấm dứt hoạt động
Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố danh sách 61 sàn giao dịch BĐS hoạt động trên địa bàn và công bố danh sách 17 sàn giao dịch chấm dứt hoạt động.
Theo đó, 17 sàn giao dịch đóng cửa chủ yếu được thành lập từ 2017 – 2022 gồm: Sàn giao dịch BĐS Wonderland ở quận 3; sàn giao dịch BĐS Milestone Land ở TP. Thủ Đức; sàn giao dịch BĐS VIELAND ở quận 3; sàn giao dịch BĐS GOLAND ở quận 1; sàn giao dịch BĐS Kim Cúc Land…
Các sàn giao dịch đóng cửa này có thời gian hoạt động tương đối ngắn từ 1-2 năm. Trong danh sách này chỉ có 1 sàn được thành lập từ năm 2009, chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019 đó là sàn giao dịch BĐS Hoàng Anh ở quận 10.
Trước đó, cuối tháng 10/2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP.HCM nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch BĐS; tuyên truyền, hướng dẫn các sàn giao dịch BĐS chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh BĐS.
Có 61 sàn giao dịch BĐS được kiểm tra về điều kiện thành lập sàn theo Điều 69 Luật Kinh doanh BĐS; việc công khai thông tin, nội dung công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh theo Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản…
Suốt thời gian qua, thị trường BĐS có nhiều nhân viên môi giới của các sàn giao dịch BĐS bất chấp mọi mọi chiêu thức để bán được các sản phẩm của dự án. Cũng thông qua các sàn giao dịch BĐS không có giấy phép, hoặ hoạt động không đúng quy định pháp luật đã có nhiều khách hàng “sập bẫy”, tiền mất, tật mang.
Do đó, Sở Xây dựng cho rằng, việc công khai thông tin các sàn giao dịch BĐS, giúp khách hàng người giao dịch BĐS yên tâm hơn về trình tự, thủ tục cũng như pháp lý dự án.
Thị trường BĐS vẫn trầm lắng
Thị trường BĐS đang phục hồi, nhưng rất chậm, đặc biệt nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường. Mặt khác các dự án biệt thự triệu đô, các nhà phố tại TP.HCM đã hoàn thiện thì sức mua đang giảm, nhiều dự án không có giao dịch.
Theo ghi nhận của báo Dân sinh, hiện nay (cuối tháng 10/2023), các khu biệt thự và nhà phố tại TP.HCM, thấy rõ sự yên tĩnh, vắng cư dân. Các căn nhà phố và biệt thự đã hoàn thiện từ nhiều năm trước nhưng chưa có cư dân sinh sống. Nhiều khu vực trong dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài do không tìm thấy người mua. Chủ đầu tư đã phải đặt bảng cho thuê. Đa số các dự án ở phân khúc này hầu như không có giao dịch.
Theo chị Lê Thu Nga (nhà đầu tư BĐS), từ cuối năm 2022 đến nay, các căn biệt thự và nhà phố cao cấp đa số đều thuộc sở hữu của những nhà đầu tư, họ thường sở hữu từ 2-3 căn. Do đó, khi thị trường trải qua giai đoạn suy thoái, giao dịch trở nên khó khăn, những căn nhà này thường để trống.
Thị trường BĐS đã chững lại và trì trệ từ cuối năm 2022 do sự bùng phát của các vướng mắc pháp lý và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Vì vậy, hầu hết người mua trong các quý gần đây chủ yếu là khách mua ở thực, số ít là các nhà đầu tư giao dịch với mục đích đầu cơ BĐS. Hiện nay, những dự án đã được xây dựng thành hình và hoàn thiện về mặt pháp lý có khả năng được chú ý hơn trong mắt người mua.
Báo cáo thị trường từ một số công ty nghiên cứu về BĐS như DKRA, CBRE Việt Nam và Batdongsan.com đều cho biết, trong quý III/2023 và dự báo cho quý IV/2023, thị trường biệt thự và nhà phố ở TP.HCM trải qua một giai đoạn tĩnh lặng, với số lượng giao dịch rất thấp.
Trong nguồn cung tương lai, phía Đông TP.HCM sẽ có nguồn cung tương lai nhiều nhất trong giai đoạn nghiên cứu 2023 – 2025 do tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng, quỹ đất phát triển dự án sẵn có, và tốc độ đô thị hóa cao.
Xem thêm: