Đằng sau con số 37 tỷ USD: Đông Nam Á và khủng hoảng lừa đảo xuyên biên giới

Kinhtetrithuc.vn – Trong các báo cáo mới công bố, Đông Nam Á được xác định là tâm điểm của làn sóng lừa đảo mạng toàn cầu. Tình trạng gian lận công nghệ cao đan xen với buôn người đã gây thiệt hại lên tới 37 tỷ USD, một con số đáng báo động và có xu hướng tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Đông Nam Á – Điểm nóng toàn cầu về tội phạm mạng

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố giữa năm 2024, một phần đáng kể trong tổng số thiệt hại do tội phạm mạng toàn cầu ước tính lên tới 37 tỷ USD có liên quan đến các mô hình lừa đảo xuất hiện tại một số khu vực ở Đông Nam Á.

Cảnh sát Trung Quốc và Myanmar bắt giữ 269 người trong chiến dịch truy quét tội phạm lừa đảo mạng (Ảnh: SCMP)

Tại một số quốc gia như Campuchia, Myanmar và các khu vực hẻo lánh của Lào, các trung tâm bị nghi ngờ liên quan tới hoạt động lừa đảo qua mạng được cho là đang vận hành theo mô hình có tổ chức bài bản.

Một số mô hình được biết đến với tên gọi “pig butchering” (mổ lợn), thuật ngữ ám chỉ các chiêu trò tinh vi mà kẻ gian sử dụng để tạo dựng lòng tin với nạn nhân trong thời gian dài, nhằm dẫn dụ họ tham gia vào các hoạt động đầu tư tài chính giả mạo trước khi chiếm đoạt toàn bộ tài sản.

Lao động trong các “trung tâm” này chủ yếu là nạn nhân bị buôn người, đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines hoặc cả châu Phi. Những nạn nhân này bị lôi kéo bởi lời mời làm việc hấp dẫn, thu nhập cao, nhưng sau đó bị giữ hộ chiếu, ép buộc làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.

Đáng chú ý, các hình thức lừa đảo ngày càng tình vi hơn nhờ vào AI, các công cụ ngôn ngữ tự động và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

Khi AI trở thành “trợ thủ” đắc lực cho các đường dây lừa đảo

Bắt đầu từ năm 2023, giới chuyên gia đã ghi nhận sự trỗi dậy của một xu hướng mới: tội phạm mạng khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường khả năng lừa đảo, che giấu dấu vết và mở rộng phạm vi hoạt động.

Theo ông Ben Goodman, Tổng Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Okta, các tổ chức tội phạm đang tận dụng triệt để các công cụ AI hiện đại để phá vỡ rào cản ngôn ngữ, mô phỏng danh tính và cá nhân hóa chiêu trò lừa đảo một cách thuyết phục.

Cụ thể, các nền tảng dịch thuật AI như Google Translate, DeepL, hay mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đang giúp tội phạm giao tiếp trôi chảy với nạn nhân ở nhiều quốc gia, từ đó mở rộng quy mô lừa đảo vượt ra khỏi phạm vi khu vực sang Bắc Mỹ, châu Âu và Úc.

Ông Ben Goodman, Tổng Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Okta (Ảnh: Fortune)

Trước đây, khác biệt ngôn ngữ là rào cản lớn khiến tội phạm mạng khó mở rộng phạm vi hoạt động, nhưng hiện nay, chúng dễ dàng viết email mạo danh, tạo chatbot giả, thậm chí dựng cả cuộc gọi video deepfake để đánh lừa nạn nhân.

“Ngay cả dịch máy, một trong những thành tựu nổi bật của AI, cũng có thể bị lạm dụng để hợp thức hóa các nội dung giả mạo. Chúng khiến con người dễ bị dụ nhấp vào các đường link độc hại hoặc phê duyệt nội dung giả mạo”, ông Goodman phân tích.

Thêm nữa, AI còn giúp tối ưu hóa nội dung lừa đảo, từ phân tích dữ liệu hành vi người dùng đến tạo nội dung lôi cuốn, đánh trúng tâm lý “thích lời nhanh, ít rủi ro” trong các thương vụ đầu tư ảo.

Các quốc gia mạnh tay ngăn chặn

Hậu quả tài chính của tội phạm mạng đang ngày càng rõ nét. Theo FBI, riêng tại Mỹ, các vụ “pig butchering” đã gây thiệt hại khoảng 4,4 tỷ USD trong năm 2023.

Sự lan rộng của các mô hình lừa đảo xuyên biên giới đã đẩy các ngân hàng, công ty fintech và ví điện tử vào thế bị động, buộc họ phải đầu tư mạnh vào hạ tầng bảo mật, nâng cấp công nghệ xác thực danh tính (KYC), kiểm soát rửa tiền (AML), và đồng thời đối mặt với áp lực từ phía người dùng, cổ đông và cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, áp lực đến từ phía khách hàng, cơ quan quản lý và nguy cơ kiện tụng do để xảy ra rò rỉ dữ liệu khiến nhiều tổ chức tài chính phải cân nhắc kỹ lưỡng trong từng bước đi.

Thêm vào đó, các dòng tiền bất hợp pháp luân chuyển qua hệ thống ngân hàng có thể gây ra rủi ro hệ thống kéo theo ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nhất là trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang tích cực thu hút đầu tư vào nền kinh tế số.

Không chỉ dừng lại ở thiệt hại tài chính, tội phạm mạng hiện còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, kinh tế và an ninh xã hội của nhiều quốc gia trong khu vực.

Tại Thái Lan, vụ việc một diễn viên Trung Quốc bị bắt cóc và cưỡng ép làm việc trong trung tâm lừa đảo tại Myanmar đã tạo ra làn sóng tẩy chay du lịch Thái Lan của cộng đồng mạng Trung Quốc. Hệ quả là lượng khách Trung Quốc, vốn chiếm hơn 25% tổng lượt khách quốc tế của Thái Lan đã sụt giảm rõ rệt. Buộc chính phủ Thái Lan phải phát động chiến dịch truyền thông, khẳng định cam kết đảm bảo an toàn cho du khách và minh bạch hóa hoạt động quản lý biên giới.

Hình ảnh diễn viên Trung Quốc Wang Xing sau khi được giải cứu. Trước đó, anh bị một nhóm lừa đảo dụ đến Thái Lan với lời mời tham gia buổi casting giả, rồi bị bắt cóc và đưa sang Myanmar (Ảnh: SCMP)

Trong khi đó, tại Singapore, chính quyền đã triển khai đạo luật Bảo vệ khỏi hành vi lửa đảo, cho phép cảnh sát ban hành “Restriction Orders” để tạm thời phong tỏa tài khoản ngân hàng nghi ngờ liên quan đến lừa đảo.

Đây là một bước đi quyết liệt nhằm ngăn chặn dòng tiền tội phạm, song cũng gây ra tranh cãi về quyền riêng tư và mức độ can thiệp vào tài sản cá nhân.

Malaysia và Thái Lan cũng đang nghiên cứu cơ chế pháp lý tương tự, yêu cầu các tổ chức tài chính chịu trách nhiệm liên đới nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường. Cuộc chiến chống tội phạm mạng hiện nay đòi hỏi không chỉ công nghệ hay luật pháp, mà còn cần sự phối hợp khu vực và cam kết chính trị mạnh mẽ.

Khoản tiền khổng lồ chảy vào các đường dây tội phạm cho thấy một yêu cầu cấp thiết về tăng cường hợp tác khu vực, cải cách pháp lý và phát triển năng lực công nghệ.

Theo Chính Nguyễn / VietnamFinance

Xem thêm: