Manh mối mới trong cuộc truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2
Các nhà khoa học tại Campuchia phát hiện trình tự gene ở các mẫu virus trên dơi móng ngựa có độ tương đồng tới 92,6% với SARS-CoV-2.
Nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tới Trung Quốc và bắt tay vào công cuộc gian khó đó là tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2. Cùng lúc đó, ở Phnom Penh, Viện Pasteur Campuchia, đã phát hiện họ hàng gần của mầm bệnh nCoV. Chúng được tìm thấy trong mẫu virus được cấp đông hơn một thập kỷ.
“Họ hàng” gần đầu tiên của SARS-CoV-2 ở bên ngoài Trung Quốc
Hai loại virus được lấy từ dơi móng ngựa, cư trú ở Đông Bắc Campuchia vào những năm 2010. Trong nghiên cứu được công bố cách đây ít ngày, nhóm tác giả cho biết chủng virus này có 92,6% đặc điểm tương đồng SARS-CoV-2.
Theo SCMP, điều này khiến nó trở thành “họ hàng” thân thiết với chủng virus gây bệnh Covid-19. Lần đầu tiên giới khoa học tìm thấy chủng virus corona như vậy ở trên dơi cư trú bên ngoài địa phận Trung Quốc. Thông tin trên được đánh giá là chi tiết quan trọng, bổ sung cho cuộc điều tra về nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Công cuộc truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2 khiến một số phòng thí nghiệm trên thế giới lật lại các mẫu virus trên động vật đang được lưu trữ để truy tìm dấu vết cho câu hỏi này. Họ phân tích trên những mẫu virus tương tự đã được cấp đông hàng chục năm.
Các phát hiện từ nhóm chuyên gia Campuchia cho thấy Đông Nam Á là khu vực cần được xem xét thận trọng trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc của SARS-CoV-2 và giám sát nó ở tương lai. Nghiên cứu này còn có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đại học Sorbonne, Viện Pasteur Pháp và Đại học California, Davis tại Mỹ. Đồng thời, họ bổ sung dữ liệu mới vào loạt bằng chứng cho thấy Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc là những điểm nóng của nhóm virus thuộc nhóm corona.
Các mẫu virus ở Campuchia được lấy trong gạc, trích xuất từ dơi móng ngựa Shamel. Nó được cung cấp cho một dự án mà UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) tài trợ. Trong đó, các nhà nghiên cứu so sánh sự đa dạng của loài ở khu vực hai bên sông Mekong, miền Bắc Campuchia. Các mẫu virus này đã được vận chuyển trở lại Viện Pasteur Campuchia, bảo quản trong nhiệt độ -80 độ C.
Nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm
Trước đó, họ hàng gần của SARS-CoV-2 từng được biết đến là virus trên loài dơi, cư trú tại tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc. Nó có độ tương đồng lên tới 96,2%. Nghiên cứu này do nhà virus học Eddie Holmes, Andrew Rambaut và đồng nghiệp công bố giả thuyết trên tạp chí Nature.
Họ phân tích mẫu vật thu thập và lưu trữ từ sau khi dịch SARS năm 2003 bùng phát. Nhóm phát hiện virus ở dơi RaTG13 giống đến 96,2% với chủng gây ra Covid-19. Tuy nhiên, những thông tin này là chưa đủ. Bởi protein đột biến của nCoV có thụ thể liên kết dính vào ACE2 trong tế bào người, từ đó, xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, virus trên dơi không có thụ thể liên kết này.
Trong khi đó, tại Thái Lan, nhóm các nhà nghiên cứu với sự giám sát của một trong những chuyên gia virus học hàng đầu thế giới đã đến các hang dơi tại huyện Photharam, thuộc tỉnh Ratchaburi nhằm tìm ra mối liên kết giữa dơi và virus gây dịch Covid-19.
Đến nay, nhân loại biết rất ít thông tin về cách thức bùng phát và nguồn gốcSARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết trước đó đã cho rằng nCoV có thể bắt nguồn từ dơi trước khi nó lây truyền sang người hoặc động vật trung gian.
Dơi chiếm gần 1/4 trong các loài động vật có vú trên thế giới. Với khả năng bay lượn khi mang hàng triệu virus, dơi là loài trung gian truyền bệnh hiệu quả. Các bệnh truyền nhiễm do virus corona như SARS và MERS hay Nipah, Hendra và Ebola đều từng xuất hiện tại loài này. Hầu hết virus trên đều chuyển từ dơi sang một vật chủ trung gian trước khi xâm nhập vào cơ thể con người.
Trong khi đó, quan chức y tế Trung Quốc cho rằng nguồn gốc SARS-CoV-2 có thể đến từ một nơi nào đó khác, bên ngoài ranh giới quốc gia này. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Tháng 11/2020, nhà virus học Veasna Duong, Viện Pasteur Campuchia, tiết lộ với tạp chí khoa học Nature về những phát hiện ban đầu cho thấy có thể SARS-CoV-2 có một chủng họ hàng gần. Thời điểm đó, nhóm vẫn đang chờ giải trình tự gene để xác định chính xác mức độ thân thiết của SARS-CoV-2 và chủng này.
Kết quả di truyền được Viện Pasteur Campuchia công bố không cho thấy sự trùng khớp với chủng virus corona trên dơi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết họ nhận thấy những nhánh virus liên quan SARS-CoV-2 có phân bố địa lý rộng hơn nhiều so với những gì đã biết trước đây. Loài dơi móng ngựa Shamel mang virus Campuchia chưa từng cư trú ở Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia của Viện Pasteur Campuchia cho rằng điều này có thể phản ánh tình trạng thiếu sót khi lấy mẫu ở Đông Nam Á, đồng thời, kêu gọi sự giám sát, phân tích đa dạng những mẫu virus ở dơi và động vật hoang dã khác tại nhiều địa phương, khu vực hơn.
Các thành viên trong nhóm chuyên gia của WHO tại Trung Quốc cũng bày tỏ ý kiến tương tự về việc cần sự đa dạng, thêm dữ liệu ở các nhánh virus corona khác. Nhà virus học Marion Koopmans, Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, Hà Lan, cho biết những phát hiện của Campuchia “bổ sung thêm kiến thức về SARS-CoV-2 và virus tương tự ở dơi”. Bà nhấn mạnh dữ liệu từ Lào, Việt Nam, Myanmar cũng sẽ cần thiết cho cuộc điều tra này. Bởi hiện tại, nó không khác gì “mò kim đáy bể”.
Theo Zing