Apple vận chuyển 600 tấn iPhone từ Ấn Độ đến Mỹ bằng đường hàng không, tránh thuế quan của ông Trump

Kinhtetrithuc.vn – Apple đã thuê các chuyến bay chở hàng để vận chuyển 600 tấn iPhone, tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc, từ Ấn Độ sang Mỹ, nhằm tránh thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt, các nguồn tin tiết lộ với Reuters.

Chi tiết về động thái này cung cấp cái nhìn sâu sắc về chiến lược riêng của Apple trong việc đối phó với thuế quan từ ông Trump và tích trữ lượng hàng tồn kho iPhone tại Mỹ – một trong những thị trường lớn nhất của hãng.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng giá iPhone tại Mỹ có thể tăng vọt do Apple phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn smartphone này và đang chịu mức thuế cao nhất của ông Trump là 125%.

Con số đó cao hơn rất nhiều so với mức thuế đối ứng 26% của Mỹ với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, song hiện giảm xuống còn 10% sau khi ông Trump hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày với hơn 75 quốc gia (không có Trung Quốc).

“Apple muốn tránh mức thuế mới”, theo một trong các nguồn tin của Reuters thân cận với kế hoạch.

Apple đã vận động các cơ quan quản lý sân bay Ấn Độ rút ngắn thời gian thông quan tại sân bay Chennai ở bang Tamil Nadu từ 30 giờ xuống còn 6 giờ, nguồn tin cho biết thêm.

Thỏa thuận gọi là “hành lang xanh” tại sân bay thuộc bang Tamil Nadu, trung tâm sản xuất của Ấn Độ, mô phỏng mô hình mà Apple đang áp dụng tại một số sân bay tại Trung Quốc, theo nguồn tin.

Khoảng 6 chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã cất cánh kể từ tháng 3, trong đó có một chuyến tuần này, đúng thời điểm các mức thuế mới đáng ra bắt đầu có hiệu lực trước khi ông Trump hoãn trong 90 ngày, nguồn tin và một quan chức chính phủ Ấn Độ xác nhận.

Theo số liệu đo lường của Reuters, trọng lượng đóng gói một chiếc iPhone 14 kèm cáp sạc vào khoảng 350 gram, cho thấy tổng hàng hóa 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi đã tính thêm phần trọng lượng bao bì.

Apple và Bộ Hàng không Ấn Độ không phản hồi câu hỏi tìm bình luận của Reuters. Tất cả các nguồn tin của Reuters đều yêu cầu giấu tên vì chiến lược và các cuộc thảo luận này là riêng tư.

Apple bán hơn 220 triệu chiếc iPhone mỗi năm trên toàn cầu. Công ty nghiên cứu Counterpoint ước tính 1/5 lượng iPhone nhập vào Mỹ hiện đến từ Ấn Độ, phần còn lại đến từ Trung Quốc.

Ông Trump liên tục tăng thuế với Trung Quốc, từ mức 54% lên 125%.

Với mức thuế 54%, chiếc iPhone 16 Pro Max bộ nhớ trong 1TB hiện là 1.599 USD có thể tăng giá lên hơn 2.300 USD tại Mỹ, theo tính toán dựa trên ước tính của Rosenblatt Securities.

Rosenblatt Securities là công ty môi giới và nghiên cứu đầu tư có trụ sở tại Mỹ. Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch cổ phiếu, phân tích thị trường tài chính và nghiên cứu chuyên sâu về các ngành công nghệ, truyền thông, viễn thông, bán dẫn và nhiều lĩnh vực khác.

Làm việc cả ngày Chủ Nhật

Tại Ấn Độ, Apple đã tăng cường vận chuyển iPhone bằng đường hàng không để đạt mục tiêu tăng 20% sản lượng thông thường tại các nhà máy iPhone. Điều này đạt được nhờ việc tuyển thêm công nhân và tạm thời mở rộng hoạt động của nhà máy Foxconn lớn nhất Ấn Độ sang cả ngày Chủ nhật, nguồn tin của Reuters cho biết.

Foxconn (Đài Loan) là đối tác lắp ráp iPhone chính cho Apple và cũng là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Hai nguồn tin trực tiếp khác xác nhận rằng nhà máy Foxconn tại thành phố Chennai hiện hoạt động cả vào Chủ nhật – thường là ngày nghỉ. Nhà máy này đã sản xuất 20 triệu chiếc iPhone trong năm ngoái, gồm cả các mẫu iPhone 15 và 16 mới nhất.

Khi Apple đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc, Ấn Độ được định vị đóng vai trò then chốt. Hai nhà cung ứng chính của Apple tại Ấn Độ là Foxconn và Tata Group, hiện có ba nhà máy đang hoạt động, với hai nhà máy nữa đang được xây dựng. Tập đoàn Tata Group (Ấn Độ) đã mua lại nhà máy của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại quốc gia Nam Á này.

Apple đã mất khoảng 8 tháng để lập kế hoạch và thiết lập quy trình thông quan nhanh tại Chennai và chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu các quan chức hỗ trợ công ty Mỹ, theo một quan chức cấp cao ở quốc gia Nam Á.

Giá trị lô hàng do Foxconn vận chuyển từ Ấn Độ sang Mỹ đã tăng vọt lên 770 triệu USD trong tháng 1 và 643 triệu USD vào tháng 2, so với khoảng 110 đến 331 triệu USD ở bốn tháng trước đó, theo dữ liệu hải quan thương mại.

Hơn 85% lượng hàng vận chuyển bằng đường hàng không của Foxconn trong tháng 1 và tháng 2 được dỡ xuống tại thành phố Chicago, Los Angeles, New York và San Francisco của Mỹ.

Foxconn không phản hồi câu hỏi từ Reuters.

Những chiếc iPhone bên trong cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Apple ở Ấn Độ tại thành phố Mumbai – Ảnh: Reuters

Apple xuất khẩu số iPhone trị giá 17,4 tỉ USD từ Ấn Độ năm ngoái

Apple đã xuất khẩu số iPhone trị giá hơn 1.500 tỉ rupee (tương đương 17,4 tỉ USD) từ Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, Bộ trưởng Công nghệ của nước này cho biết, nhấn mạnh nỗ lực của công ty trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Ấn Độ đã xuất khẩu số smartphone trị giá hơn 2.000 tỉ rupee (gồm cả iPhone) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025, tăng 54% so với năm trước, Bộ trưởng Công nghệ Ashwini Vaishnawnói tại một buổi họp báo ở thủ đô New Delhi.

Apple đã nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Ấn Độ sau khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 làm tê liệt sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Động thái đa dạng hóa này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc biến đất nước thành một trung tâm sản xuất.

Các khoản trợ cấp của Ấn Độ đã hỗ trợ Foxconn và đơn vị sản xuất điện tử của Tata Group rộng quy mô lắp ráp iPhone tại địa phương.

Mức thuế 125% của Mỹ với Trung Quốc có thể thúc đẩy Apple chuyển nhiều hơn hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Apple đã dành nhiều năm để chuyển một số hoạt động sản xuất của mình sang Việt Nam, nơi chịu mức thuế thấp hơn Trung Quốc. Công ty Mỹ đã sản xuất Apple Watch, Mac, AirPods và iPad tại Việt Nam. Ngoài ra, Apple còn sản xuất một số mẫu máy Mac ở Ireland, Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch hoàn toàn khỏi Trung Quốc, trung tâm sản xuất lâu đời của Apple, là khó xảy ra trong ngắn hạn.

Hiện tại, khoảng 4/5 lượng iPhone của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, bất chấp nỗ lực chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ. Việc tái xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phức tạp của họ ở nơi khác đang tiêu tốn nhiều chi phí và có thể mất nhiều năm.

Chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Trung Quốc được xem là một trong những yếu tố giúp Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin để có thể đàm phán với ông Trump.

Ông Trump gọi tên Apple sau khi hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày

Nói với phóng viên tại Nhà Trắng sau quyết định hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, Tổng thống Trump nhắc đến Apple. Ông nhấn mạnh mục tiêu đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ và nói chiến lược của Apple tại Trung Quốc là “không bền vững”.

“Nếu nhìn vào Apple, bạn sẽ thấy họ đang chi 500 tỉ USD xây nhà máy ở Mỹ. Họ sẽ không hành động nếu tôi không làm thế. Họ sẽ tiếp tục xây dựng chúng tại Trung Quốc và điều đó không bền vững”, ông Trump nhấn mạnh.

Dù đầu tư xây dựng máy chủ Apple Intelligence tại Mỹ, hầu hết sản phẩm phần cứng của công ty vẫn được lắp ráp ở nước ngoài. Apple không thể đưa chuỗi cung ứng phức tạp trở về Mỹ trong ngắn hạn. Một số lý do đến từ chi phí và thiếu nhân công lành nghề trong sản xuất công nghệ cao.

Sản xuất iPhone tại Mỹ có thể khiến giá sản phẩm tăng vọt. Dan Ives, nhà phân tích chính của hãng Wedbush Securities, nhấn mạnh mục tiêu này chẳng khác gì “chuyện hư cấu”.

“Thử nghĩ đến viễn cảnh xây dựng chuỗi cung ứng tại Mỹ với một nhà máy ở bang West Virginia và New Jersey. Những chiếc iPhone đó sẽ có giá 3.500 USD”, Dan Ives bình luận.

Theo Bank of America, nếu Apple chuyển hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ, chi phí tăng gần gấp đôi, bên cạnh loạt thách thức về logistics.

“Nếu chỉ tính tiền lương lao động, chi phí sản xuất iPhone có thể tăng 25%”, nhà phân tích của Bank of America nói.

Kể cả khi tuyển dụng đủ lao động trong nước, một phần đáng kể linh kiện sản xuất iPhone vẫn cần nhập từ Trung Quốc vào Mỹ. Giả sử Apple nộp thuế đối ứng cho những mặt hàng ấy, tổng chi phí có thể tăng từ 90% trở lên, theo nhà phân tích của Bank of America.

Theo Sơn Vân / Một Thế Giới

Xem thêm: