Cấm xe máy xăng: Hà Nội chi tiền mặt cho dân mua xe điện?
Kinhtetrithuc.vn – Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên có các giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện khi cấm xe máy xăng vào vành đai 1 ở Hà Nội.
Chuyên gia đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân
Hà Nội đang nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 tiến tới loại bỏ hoàn toàn trong tương lai, theo chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thông tin trên, nhiều người ủng hộ việc kiểm soát khí thải để môi trường Thủ đô sạch hơn, đáng sống hơn.
Tuy nhiên, nỗi băn khoăn và lo lắng nhất của nhiều người hiện nay là khi cấm xe máy chạy xăng thì người dân đi lại bằng phương tiện gì và chính sách hỗ trợ để đổi xe điện ra sao?
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ một khoản tiền để người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện khi cấm xe máy xăng vào vành đai 1 ở Hà Nội
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – kiến nghị từ nay đến 1/7/2026, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Hà Nội cũng cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn.
Ông Tùng cho hay, hiện nay, có doanh nghiệp đã sẵn sàng hỗ trợ tài chính để người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Do đó, cơ quan nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp một khoản tiền để người dân chuyển đổi sang xe điện. Chính sách này góp phần giảm thiểu sự tác động đến rất nhiều người dân đang sử dụng xe máy xăng ở khu vực vành đai 1 cũng như người dân lân cận khi di chuyển vào nội đô.
Ngoài ra, theo TS. Hoàng Dương Tùng, Hà Nội cần phải có chính sách đặc biệt với người yếu thế, người nghèo.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho hay, để chính sách này thành công, yếu tố quyết định là sự đồng thuận của nhân dân. Khi người dân đã tích cực tham gia, nếu được Nhà nước hỗ trợ thêm về tài chính – ví dụ có thể xem xét hỗ trợ 30 – 50% chi phí mua xe điện – thì hiệu quả thực hiện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Tạo cho rằng vì đây là chương trình liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên từng đơn vị cần chủ động hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ ngành điện muốn mở rộng sản xuất cũng cần sự hỗ trợ từ các cơ quan khác về cơ chế, chính sách để đầu tư nhanh hơn. Ngay cả hệ thống ngân hàng cũng có thể được chỉ đạo để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất điện hoặc xe điện vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Tất cả những điều này cần được phối hợp nhịp nhàng để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng và chính sách của Nhà nước.
GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải – nhìn nhận, vấn đề không chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải đi cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ như: tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ; có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc…
PGS.TS Bùi Thị An (nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)nhận định Hà Nội cần có lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân. Cùng với đó là chuẩn bị nguồn kinh phí đáng kể hỗ trợ thay thế xe cho người dân, chuẩn bị hạ tầng cho xe điện; phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày…
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ngoài hạ tầng, Hà Nội cần hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp trong quá trình chuyển đổi phương tiện.
Trước tiên, thành phố cần khảo sát số lượng xe máy chạy xăng hiện có, phân loại theo niên hạn và tình trạng sử dụng để xây dựng gói hỗ trợ phù hợp. Xe máy còn mới, có giá trị sử dụng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi chuyển đổi; xe quá cũ có thể không hỗ trợ nhưng được khuyến khích thu hồi. Mức hỗ trợ có thể gồm một phần tài chính để đổi phương tiện hoặc trợ cấp chi phí đi lại nếu người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.
“Cần vận động các hãng xe điện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, khuyến khích giảm giá xe điện, đặc biệt cho nhóm thu nhập thấp”, ông Thanh nêu ý kiến.
Nhiều chuyên gia đề xuất Nhà nước có thể miễn thuế trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hỗ trợ lãi suất trả góp cho người dân khi mua xe điện chính hãng.
Hà Nội tính cách hỗ trợ chuyển đổi 450.000 xe máy xăng
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa thông tin về kế hoạch triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng.
Theo đó, Hà Nội đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ khoảng 450.000 xe máy chạy xăng dầu của người dân sinh sống trong vành đai 1. Chính sách này dự kiến hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí chuyển đổi như lệ phí trước bạ và phí đăng ký xe điện mới.
Cùng với việc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cá nhân, Hà Nội cũng tập trung phát triển hạ tầng giao thông xanh. Thành phố sẽ tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ) và xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô tại vành đai 1.

Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống trung chuyển đa phương thức, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị. Các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đã đi vào khu vực này, các tuyến Hồ Tây – Hòa Lạc, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ tiếp tục được triển khai.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
Ông Tuấn thông tin: “Thành phố sẽ ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư”.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe điện sẽ được xây dựng một cách hài hòa, dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe.
Ngày 9/6 vừa qua, tại buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Chủ tịch UBND TP.Hà Nộ khẳng định Hà Nội kiên định với chủ trương đã được HĐND thông qua từ năm 2017 về quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ngoài việc hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện, Hà Nội cũng đang tập trung nguồn lực hoàn thiện mạng lưới phương tiện giao thông công cộng.
Thành phố đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 sẽ chuyển toàn bộ xe buýt sang năng lượng sạch và đến năm 2035 hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400 km.
Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hà Nội vào trung tuần tháng 12/2024, ông Trần Sỹ Thanh cho biết: Hà Nội sẽ làm việc với các nhà sản xuất có chương trình giảm giá, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới hoặc xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.
Theo Minh Anh / VietNamFinance
Xem thêm: