CEO Intel: “Tình trạng thiếu chip sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm nay”

Ông Pat Gelsinger dự đoán ngành công nghiệp chip chưa thể phục hồi lại trạng thái bình thường cho đến năm 2023.

CEO của Intel Pat Gelsinger dự đoán tình trạng thiếu vật liệu bán dẫn, vốn khiến ngành công nghiệp ô tô và điện tử tiêu dùng điêu đứng thời gian qua, sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm nay, sau đó bắt đầu cải thiện.

“Tôi không kỳ vọng ngành công nghiệp chip sẽ trở lại tình trạng khoẻ mạnh cho đến năm 2023”, ông nói trong một bài phỏng vấn. “Với nhiều ngành công nghiệp, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn trước khi tình trạng được cải thiện”.

Sự phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch khiến nhu cầu mua linh kiện điện tử tăng vọt. Theo Gelsinger, tình trạng giãn cách kéo dài đã đẩy nhanh sự dịch chuyển sang các hệ thống kỹ thuật số, khiến ngành bán dẫn không đủ khả năng theo kịp các đơn hàng.

Intel là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Phần lớn doanh thu của hãng đến từ việc cung cấp các bộ vi xử lý cho máy tính cá nhân, máy chủ và các trung tâm dữ liệu cùng mạng công ty. Intel cho biết họ ở vị thế tốt hơn để theo kịp nhu cầu nhờ quyền tự chủ hoàn toàn vào các nhà máy sản xuất chip, so với những công ty đi thuê gia công ngoài.

Trong dài hạn, ngành công nghiệp chip cần phải được định vị lại, theo Gelsinger. Tong thập kỷ tới, việc sử dụng chip sẽ ngày càng tăng, gồm hệ thống điện thoại 5G, xe điện, trí tuệ nhân tạo mở rộng.

CEO Intel đưa ra quan điểm phản bác lại một số luận điểm cho rằng tình trạng thiếu chip hiện tại chỉ là một đợt suy giảm nguồn cung ngắn hạn. Họ không tin vào ý tưởng ngành công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mức trên 5%/năm như Gelsinger và một số người đưa ra.

Hock Tan – CEO của Broadcom là một trong những người như vậy. Mặc dù mức tăng trưởng doanh số trong quý gần nhất của Broadcom lên đến 15%, Tan nói rằng về cơ bản ngành công nghiệp sản xuất chip đã đủ độ chín và sẽ sớm quay về mức tăng trưởng thấp.

Tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với nền kinh tế thế giới đã được chú trọng hơn trong vài năm qua, nhất là sau một vài sự kiện gồm cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tác động của đại dịch với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty Mỹ vẫn thống trị ngành công nghiệp bán dẫn nhưng thành công của họ được đo bằng doanh số và khả năng thiết kế chip. Sản xuất, một yếu tố quan trọng khác trong việc xác định khả năng của một con chip lại phụ thuộc vào châu Á nơi TSMC và Samsung đang dẫn đầu.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị