Đàn ông Hàn Quốc đang thống trị truyền hình như thế nào?

Theo Korea Herald, nam giới đang thống trị ngành giải trí Hàn Quốc. Các chương trình tồn tại định kiến ​​về giới và lấy vấn đề bạo lực tình dục để gây cười.

Knowing Brothers, 2 Days & 1 Night, New Journey to the West, All the Butlers, điểm chung của các chương trình tạp kỹ nổi tiếng và được yêu thích này là tất cả thành viên đều thuộc phái mạnh.

Theo Korea Joongang Daily, phần lớn chương trình tạp kỹ của Hàn Quốc tập trung vào nam giới một cách đáng lo ngại. Nhiều người xem có thể dễ dàng kể tên các nam MC nổi bật như Yoo Jae Suk, Kang Ho Dong và Lee Su Geun, trong khi các nữ MC tài năng không kém như Park Na Rae, Jang Do Yeon, Lee Young Ja lại ít được chú ý hơn.

Định kiến ​​giới tràn lan trong các chương trình giải trí truyền hình

Trên thực tế, nữ MC thậm chí ít được xuất hiện trên màn ảnh. Và trong những lần xuất hiện ít ỏi đó, họ thường được gắn vào các mối quan hệ tình cảm lãng mạn. We Got Married là chương trình điển hình duy trì ý tưởng này, các ngôi sao nữ chỉ xuất hiện khi cần thiết.

Sau nhiều mùa lên sóng với nỗ lực tăng rating, chương trình thường xuyên ghép các nam ca sĩ với một nữ diễn viên hoặc một nữ thần tượng. Người hâm mộ của thần tượng nam sẽ bày tỏ sự bất bình, tức giận và người chịu thiệt thòi trong những mối quan hệ như vậy luôn là nghệ sĩ nữ.

Korea Joongang Daily tiếp tục chỉ ra các thành viên nam của Knowing Brothers thường không giấu được sự phấn khích khi khách mời nữ xuất hiện. Ngược lại, nếu chương trình mời khách mời nam, các thành viên thường bày tỏ sự thất vọng.

Một lần, chương trình đã gây tranh cãi vì Min Kyung Hoon tặng Jeon So Min một chiếc áo ngực làm từ cốc giấy. Hành vi này cùng nhiều lời nói của các thành viên trong chương trình được cho là quấy rối khách mời nữ.

IB Times đưa tin tháng 1/2020, Ủy ban kiểm duyệt chương trình phát sóng đã cảnh cáo và kỷ luật Knowing Brothers vì “nhiều lần có hành vi phản cảm, gợi dục, không thể dung thứ”.

Bình đẳng giới có thực sự tồn tại trong ngành giải trí Hàn Quốc? - kinhtetrithuc.vn 1
Tất cả thành viên của Knowing Brothers là nam.

Trong nhiều trường hợp khác, thành viên các chương trình giải trí Hàn Quốc thường xếp hạng khách mời nữ hoặc chọn mẫu người lý tưởng dựa theo ngoại hình của họ. Theo Korea Joongang Daily, những vấn đề không hồi kết này tạo cảm giác như thể phụ nữ chỉ được mời để thỏa mãn cảm xúc của dàn nghệ sĩ nam.

Mặc dù điều này có thể được giải thích như một trò đùa nhằm tạo tính giải trí cho các chương trình nhưng Korea Herald nhấn mạnh chính những khoảnh khắc nhỏ nhặt và dễ bị bỏ quên này đã tiếp tục nhốt phụ nữ vào những định kiến ​​giới tính, tuổi già.

Ngay cả những chương trình nổi tiếng như Running Man cũng chỉ có Song Ji Hyo là thành viên nữ duy nhất suốt thời gian dài. Yoo Jae Suk luôn là người chơi chính và MC của chương trình trong khi Ji Hyo chưa bao giờ được đảm đương vị trí đó.

Ji Hyo đã cố gắng chứng minh sức mạnh của mình trong vai Ace Ji Hyo bằng trí thông minh, sự quyết tâm và may mắn giữa sự thống trị của dàn đồng nghiệp nam. Tuy nhiên, Ji Hyo được chú ý nhiều hơn thông qua “mối tình thứ hai” của cô với đồng nghiệp nam Kang Gary.

Thật không may, sự ra đi của Kang Gary đã để Ji Hyo lại phía sau, vật lộn tìm kiếm nhân vật của riêng mình mà không phải gắn với bất kỳ ai. Số đông người hâm mộ tiếc nuối khi Kang Gary rời đi và Monday Couple bị chia rẽ. Điều đó chứng tỏ, một phần không nhỏ làm nên danh tiếng của Ji Hyo chính là các hành động tình cảm với Kang Gary.

Bình đẳng giới có thực sự tồn tại trong ngành giải trí Hàn Quốc?- kinhtetrithuc.vn 2
Running Man có 2 thành viên nữ là Song Ji Hyo và Jeon So Min

Điều tương tự xảy ra khi Jeon So Min và Yang Se Chan tham gia Running Man năm 2017. Kể cả có thêm thành viên nữ, Running Man vẫn cho thấy sự mất cân bằng giới tính rất rõ rệt.

Trước đây Hàn Quốc có những chương trình tạp kỹ do nữ dẫn dắt như Invincible Youth hay Unpretty Rapstar. Hiện tại, một số chương trình như I Live Alone và My Little Old Boy đề cao sự cân bằng của 2 giới tính. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các chương trình lấy phụ nữ làm trung tâm vẫn còn rõ rệt.

Theo Korea Herald, các chương trình giải trí trên truyền hình Hàn Quốc vẫn tràn ngập những định kiến ​​về giới và thậm chí lấy vấn đề bạo lực tình dục để gây cười. Phần lớn nội dung phân biệt đối xử về giới đã củng cố định kiến ​​hoặc cái nhìn về giới. Một số nội dung thậm chí còn biện minh cho hành vi quấy rối hoặc bạo lực tình dục.

Korea Herald chỉ ra trên chương trình truyền hình cáp, một diễn viên nam thể hiện thành kiến ​​về giới khi nói: “Chính phủ phải cấm các buổi tụ tập vào bữa trưa của 3 phụ nữ trở lên vì không chính sách bất động sản hoặc giáo dục nào có thể thành công nếu vẫn còn những buổi gặp gỡ như vậy”.

Ở một chương trình truyền hình cáp khác, các thành viên nam yêu cầu khán giả sắp xếp chỗ ngồi bởi sức hấp dẫn ngoại hình của họ. Một thành viên nói: “Những người đẹp nên ngồi ở hàng đầu. Những người không hấp dẫn, hãy ngồi ở phía sau”.

Vấn đề bất bình đằng giới nghiêm trọng

Tại sao những vấn đề trên vẫn phổ biến tại Hàn Quốc? Theo Korea Joongang Daily, bất bình đẳng giới có thể là câu trả lời. Tìm hiểu sâu hơn, Hàn Quốc có một lịch sử đáng lo ngại về bất bình đẳng giới. Nhìn vào số liệu thống kê trong giới giải trí, không có gì ngạc nhiên nếu nói đây là ngành mà nam giới thống trị. Số lượng MC nam, nữ chênh lệch tới 4-1.

Bình đẳng giới có thực sự tồn tại trong ngành giải trí Hàn Quốc? - kinhtetrithuc.vn 3
MC nữ chưa có chỗ đứng xứng đáng ở Hàn Quốc.

Nói một cách đơn giản, các MC nam đang thống trị ngành công nghiệp giải trí trong khi các MC nữ khó có thể bước lên cùng một sân khấu. Với họ, sự ghi nhận ở các giải thưởng lớn càng khó khăn so với đồng nghiệp nam.

Lee Young Ja giành được 2 giải Grand Prize tại Entertainment Awards 2018. Lee Young Ja trở thành nữ nghệ sĩ giải trí đầu tiên nhận được danh hiệu cao nhất từ ​​KBS và là người thứ 2 từ MBC trong khoảng 2 thập kỷ.

Diễn viên hài Jang Do Yeon nhận được giải thưởng Nghệ sĩ giải trí xuất sắc vào năm 2019. Đây là lần đầu tiên cô nhận một giải thưởng kể từ khi ra mắt vào năm 2007. “Tôi nhận ra chỉ có 5 bậc thang từ chỗ tôi ngồi lên sân khấu. Nhưng mất gần 13 năm để tôi leo qua được 5 bậc thang cuối cùng đó”, Jang Do Yeon phát biểu khi nhận giải.

Bình đẳng giới có thực sự tồn tại trong ngành giải trí Hàn Quốc?- kinhtetrithuc.vn 4
MC Lee Young Ja. – ảnh Topstarnews

Diễn viên hài Kim Sook – người đã mang về giải thưởng Top Excellence trong MBC Entertainment Awards 2019 – cho biết đây là lần đầu tiên cô tham dự lễ trao giải của đài MBC trong 25 năm sự nghiệp.

Korea Herald trích đăng kết quả thông kê của Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng Giới của Hàn Quốc (KIGEPE). Viện theo dõi 33 chương trình giải trí trên TV được xem nhiều nhất trong 7 ngày và phát hiện 56 trường hợp lệch lạc giới tính. Con số này cao gấp 8 lần so với số trường hợp đang cố gắng thúc đẩy bình đẳng giới.

Một quan chức KIGEPE cho biết: “Bất chấp những nỗ lực ngày càng tăng nhằm xóa bỏ phân biệt giới tính và bạo lực tình dục, các chương trình giải trí trên truyền hình vẫn còn một chặng đường dài phía trước về bình đẳng giới. “Cần có mức độ nhạy cảm giới cao hơn đối với các đài truyền hình và nhân viên sản xuất để ngừng hợp lý hóa hay biện minh cho sự phân biệt đối xử về giới hoặc bạo lực tình dục”.

Trong khi nam giới lãnh đạo ngành công nghiệp giải trí, các nữ MC thời đại này đang cố gắng phá vỡ giới hạn để xây dựng một sân khấu mà họ có thể gọi là của riêng mình.

Mặc dù phải chờ đợi hàng thập kỷ cho sự đột phá hoành tráng này, nhưng đã có sự gia tăng đáng kể về các ngôi sao nữ, đặc biệt là trong 2 năm gần đây. Trong đó, Jessi’s Showterview, Refund Sisters on Hangout with You, Sixth Sense, Girls High School Mystery Club đã tạo được ảnh hưởng đáng kể. Con đường dẫn đến bình đẳng giới còn dài và xa, nhưng những bước tiến nhỏ này cũng bắt đầu đặt một số MC nữ vào sân chơi tương đối bình đẳng.

Theo Zing