Định danh số nhà giúp minh bạch thị trường bất động sản
Kinhtetrithuc.vn – Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đáng chú ý, theo C06, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà.
Việc định danh số nhà nhằm thực hiện theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những bất cập đối với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải. C06 sẽ phối hợp với ngành bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà. Kế hoạch này được cho là sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí thông qua việc tận dụng những dữ liệu có sẵn, không phải chờ làm sạch dữ liệu về bất động sản.
Hiện, Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai cơ quan quản lý nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở. Mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, từng căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ quy luật đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin thu thập từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà.
Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó chủ tịch Thường trực Hội Môi giới Bất động sản cho rằng, việc định danh số nhà là một chủ trương tốt. Theo vị này, khi người dân đến ở một nơi nào đều phải khai báo tạm trú; người thuê trọ cũng phải khai báo tạm vắng tạm trú, do đó chỗ nào cũng có thể định danh. Bên cạnh đó, hiện trong các cơ quan nhà nước, các cán bộ cũng phải kê khai tài sản, trong đó có bất động sản, cũng có thêm một điểm thuận lợi nữa.
Liên quan đến khía cạnh quản lý, theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh – Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, muốn xác định được bất động sản thì phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các bất động sản đó. Ví dụ, mỗi chung cư có hàng nghìn hộ dân, trong đó mỗi gia đình sống ở căn hộ riêng và hoàn toàn độc lập. Nếu chỉ ghi địa chỉ của tòa chung cư thì đó mới chỉ là dữ liệu chung, chưa có thông tin của từng hộ dân cụ thể cư trú bên trong. Do đó, định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ). Từ đó, tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân để cho những đơn vị trung gian khác khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, trong tương lai, Việt Nam sẽ tính đến việc đánh thuế, thu thuế bất động sản, bao gồm các loại thuế kinh doanh bất động sản, thuế sở hữu nhà đất… Để làm được việc này cần phải có cơ sở dữ liệu. Nếu không đủ khi triển khai sẽ không được minh bạch hóa và chuẩn hóa. Vì vậy, sẽ phải xác thực một cá nhân trong một gia đình đang sở hữu bao nhiêu bất động sản và các bất động sản này ở dạng nào; phân loại ra để làm cơ sở để biết được ai đang sở hữu nhiều bất động sản và nguồn gốc của bất động sản… để căn cứ đánh thuế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, hiện thị trường bất động sản chưa minh bạch do cơ sở dữ liệu lớn quốc gia chưa được xây dựng đầy đủ. Khi đã có đủ dữ liệu, mọi giao dịch về bất động sản của người dân, nhà nước sẽ nắm rõ. Đề án 06 hướng đến một xã hội nhà nước quản trị chặt chẽ, minh bạch, khi đó mọi người sẽ phải trung thực, công khai, minh bạch mọi thứ.
Tuy nhiên, ông Trần Quang Trung – Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing, lưu ý rằng, bất động sản là một tài sản rất lớn, thay đổi thường xuyên. Tài sản đó hôm nay của người này, nhưng tháng sau họ đã chuyển nhượng cho người khác. Do đó, cơ sở dữ liệu này cũng sẽ thay đổi thường xuyên chứ không cố định. Như vậy, việc cập nhật cơ sở dữ liệu là vô cùng quan trọng và phức tạp.
Ông Trung cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải phân loại bất động sản. Tuy nhiên, thông tin định danh số nhà sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản tương đối nhiều. Khi triển khai một vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường, người dân thì cần phải có lộ trình phù hợp, chứ nếu không sẽ “lợi bất cập hại”.