FDA gọi công cụ phát hiện ung thư bằng AI của Alibaba là thiết bị đột phá: ‘Hiệu quả cao hơn bác sĩ’
Kinhtetrithuc.vn – Damo Panda, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện ung thư tuyến tụy của Damo Academy, nhận được danh hiệu “thiết bị đột phá” từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Damo Academy, bộ phận nghiên cứu của tập đoàn công nghệ Alibaba, vừa nhận được sự chứng thực quan trọng từ FDA cho công cụ phát hiện ung thư sử dụng AI, trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang tìm cách mở rộng vai trò ở ngành y tế toàn cầu.
FDA đã cấp danh hiệu “thiết bị đột phá” cho Damo Panda, giúp quy trình xem xét và phê duyệt được tiến hành nhanh hơn, theo tuyên bố từ Alibaba.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc lần đầu công bố Damo Panda, công cụ được thiết kế để phát hiện ung thư tuyến tụy, vào tháng 1.2023 thông qua bài viết đăng trên tạp chí y khoa Nature Medicine. Theo bài viết, Damo Panda có thể phát hiện hiệu quả các khối u ác tính ở giai đoạn đầu ngay cả ở những bệnh nhân không có triệu chứng.
Damo Panda là mô hình học sâu được huấn luyện trên 3.208 ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) không tương phản vùng bụng của các bệnh nhân ung thư tuyến tụy. Theo các nhà nghiên cứu tại Damo Academy, Damo Panda có độ nhạy cao hơn 34,1% so với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong việc phát hiện bệnh.
Độ nhạy trong y học là khả năng của một công cụ xét nghiệm phát hiện đúng những người có bệnh. Độ nhạy càng cao thì khả năng bỏ sót ca bệnh càng thấp.
Học sâu là lĩnh vực trong AI tập trung vào việc xây dựng và huấn luyện các mô hình học máy sâu, còn được gọi là mạng nơ-ron sâu. Mục tiêu của học sâu là tự động học các đặc trưng và biểu diễn cấp cao từ dữ liệu, giúp máy tính tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà trước đây đòi hỏi sự can thiệp của con người. Mô hình học sâu thường được xây dựng bằng cách sử dụng nhiều lớp của các nơ-ron. Nơ-ron là các đơn vị tính toán cơ bản mô phỏng theo cách hoạt động của não người. Những mô hình này có khả năng học các biểu diễn phức tạp của dữ liệu thông qua quá trình huấn luyện trên tập dữ liệu lớn. Học sâu đã đạt được sự chú ý lớn nhờ vào khả năng giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khác nhau, gồm nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng giọng nói, dịch ngôn ngữ, phân tích dự đoán, robot và nhiều ứng dụng khác trong thực tế. Các mô hình nổi tiếng trong học sâu bao gồm Mạng nơ-ron tích chập (CNN) và Mạng nơ-ron hồi quy (RNN). |
Alibaba cho biết đã triển khai thử nghiệm Damo Panda tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Tại một bệnh viện thuộc thành phố Ninh Ba (phía đông Trung Quốc), công cụ AI này đã sàng lọc cho 40.000 người và phát hiện 6 ca ung thư giai đoạn đầu, trong đó có 2 ca bị bỏ sót bởi các xét nghiệm thông thường.
Alibaba cho biết Damo Academy sẽ tiếp tục thúc đẩy việc ứng dụng mô hình AI này ở cả trong và ngoài Trung Quốc, thông qua hợp tác với các công ty như Ankon Medical Technologies.

Những năm gần đây, AI đã trở thành công nghệ mang tính cách mạng ở lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y tế, với nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng của nó sánh ngang hoặc vượt qua các chuyên gia trong phân tích hình ảnh. Các mô hình AI cũng được chứng minh có khả năng cải thiện chất lượng hình ảnh y tế.
Alibaba là một trong số nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế.
Hồi tháng 2, tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei đã hợp tác với Bệnh viện Nhuệ Kim tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) để ra mắt một mô hình AI nhằm hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán ung thư. Theo truyền thông Trung Quốc, Huawei đã thành lập một đội ngũ chuyên biệt tập trung vào ngành y tế và chăm sóc sức khỏe từ tháng 3.
Damo Academy nổi tiếng với cả chip mã nguồn mở RISC-V
Damo Academy được Alibaba thành lập vào năm 2017, với các lĩnh vực trọng điểm gồm AI và kiến trúc chip mã nguồn mở RISC-V. Damo Academy là đơn vị phát triển loạt chip RISC-V có tên XuanTie, gồm cả bộ vi xử lý máy chủ được công bố vào tháng 2 vừa qua.
RISC-V là kiến trúc tập lệnh máy tính (Instruction Set Architecture – ISA) mã nguồn mở và miễn phí, dựa trên nguyên tắc thiết kế RISC (Reduced Instruction Set Computer – Máy tính tập lệnh đơn giản hóa). RISC-V được phát triển lần đầu tiên tại Đại học California – Berkeley (Mỹ) vào năm 2010 và nhanh chóng trở thành một tiêu chuẩn mở cho phép các nhà thiết kế chip tạo ra các bộ vi xử lý linh hoạt, hiệu quả mà không cần phải trả phí bản quyền. Đặc điểm chính của RISC-V Mã nguồn mở và miễn phí RISC-V là kiến trúc mở, cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng, tùy chỉnh và phát triển mà không cần xin phép hoặc trả phí bản quyền. Điều này tạo điều kiện cho sự đổi mới và hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đơn giản và linh hoạt: RISC-V có thiết kế đơn giản, với một tập lệnh cơ bản nhỏ gọn, giúp dễ dàng triển khai và tối ưu hóa. Ngoài ra, RISC-V cho phép mở rộng thông qua các tập lệnh tùy chỉnh, phù hợp với nhiều ứng dụng khác nhau. Không bị ràng buộc bởi các công ty độc quyền: Khác với các kiến trúc độc quyền như x86 của Intel hay Arm của Arm Holdings, RISC-V không bị kiểm soát bởi bất kỳ công ty nào, giúp giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp độc quyền. Phù hợp với nhiều ứng dụng: RISC-V có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ các thiết bị nhúng đơn giản như IoT, tai nghe đến các ứng dụng hiệu suất cao như máy chủ, AI và xe tự lái. |
Cuối tháng 2, Damo Academy công bố thiết kế bộ xử lý trung tâm (CPU) XuanTie C930, do đơn vị bán dẫn T-Head của Alibaba phát triển, hướng đến các ứng dụng điện toán hiệu suất cao như máy chủ trung tâm dữ liệu và ô tô tự lái.
Damo Academy cho biết chip này bắt đầu được giao đến khách hàng trong tháng 3, nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể. Thiết kế CPU của Damo Academy có thể được cấp phép cho các nhà phát triển mạch tích hợp (IC).
“Mô hình mã nguồn mở sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái RISC-V toàn cầu bao trùm và hợp tác, biến nó thành động lực mới cho sự đột phá trong ngành công nghiệp chip”, Ni Guangnan, học giả của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, phát biểu tại sự kiện.
Sáng kiến mã nguồn mở mới nhất này không chỉ cho thấy tiến bộ của Alibaba trong thiết kế chip RISC-V vài năm qua, mà còn phản ánh cam kết của Trung Quốc trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Các biện pháp thương mại từ Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc, trong bối cảnh nhu cầu từ các dự án phát triển AI trong nước ngày càng tăng.
“Giống như DeepSeek đã phá vỡ sự độc quyền của OpenAI với những ưu thế về mã nguồn mở, chi phí thấp và hiệu suất cao, RISC-V cũng thể hiện tiềm năng đáng kể trong kỷ nguyên AI”, các nhà phân tích từ công ty chứng khoán Guotai Junan viết trong một báo cáo nghiên cứu.
Đột phá của công ty khởi nghiệp DeepSeek nằm ở việc phát triển mô hình AI mã nguồn mở V3 và R1 hiệu suất cao với chi phí đào tạo chỉ bằng một phần nhỏ so với các hãng công nghệ Mỹ.
Mô hình ngôn ngữ lớn là công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI, Ernie Bot của Baidu và chatbot cùng tên DeepSeek.
Mã nguồn mở cho phép công chúng tiếp cận mã nguồn của một chương trình, cho phép các nhà phát triển bên thứ ba chỉnh sửa hoặc chia sẻ thiết kế, sửa lỗi hoặc mở rộng khả năng của nó. Công nghệ mã nguồn mở đã đóng góp lớn cho ngành công nghệ Trung Quốc trong vài thập kỷ qua.
“Cơ hội sẽ xuất hiện trong vài năm tới sau khi RISC-V xây dựng được một hệ sinh thái phần mềm thống nhất và ổn định”, ông Li Yangwei, chuyên gia về bán dẫn và hệ thống máy tính tại Bắc Kinh, nhận định.
Với các nhà thiết kế chip Trung Quốc, RISC-V đã trở thành lựa chọn khả thi thay thế cho các kiến trúc độc quyền như x86 của Intel (thống trị thị trường máy tính cá nhân) và Arm Holdings của công ty Anh cùng tên (được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực smartphone).
RISC-V là thế hệ thứ năm của kiến trúc máy tính tập lệnh đơn giản tiêu chuẩn mở.
Theo thông tin sản phẩm, điểm số của XuanTie C930 vượt quá 15 điểm mỗi GHz trong bài kiểm tra tiêu chuẩn SPECint2006, đo lường hiệu suất CPU. Điểm số này cho thấy XuanTie C930 đáp ứng yêu cầu cho các hệ thống RISC-V trong ứng dụng điện toán hiệu suất cao.
Theo các nhà phân tích, XuanTie C930 mang đến làn gió mới cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, nhờ tiềm năng mở rộng việc sử dụng chip mã nguồn mở trong nước dựa trên kiến trúc tập lệnh RISC-V, giúp đối phó với các hạn chế công nghệ từ Mỹ.
Tại sự kiện ra mắt chip cuối tháng 2, Damo Academy tuyên bố đội ngũ thiết kế IC của họ đã hỗ trợ triển khai “hơn 30% bộ vi xử lý RISC-V hiệu suất cao”. Trước đây, Damo Academy đã ra mắt một số bộ vi xử lý dựa trên RISC-V thuộc dòng XuanTie, gồm C920 vào năm 2024 và C910 trong năm 2019.
Damo Academy cũng công bố kế hoạch phát triển các bộ vi xử lý XuanTie mới như C908X, R908A và XL200. Những chip này được thiết kế riêng cho tăng tốc AI, ứng dụng ô tô và kết nối tốc độ cao.
Trước khi Alibaba tập trung mạnh vào RISC-V, các chip dựa trên kiến trúc này chủ yếu phổ biến trong các ứng dụng tương đối thấp cấp như tai nghe. Việc áp dụng RISC-V cho bộ vi xử lý trong laptop và máy chủ vẫn còn hạn chế.
Xem thêm: