Hết ‘kỳ trăng mật’ của vàng, tiền trong dân sẽ chảy vào đâu?
Kinhtetrithuc.vn – Trong khi kênh đầu tư vào vàng có nhiều biến động thì các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản cũng có nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Trump lên chức, vàng đi xuống
Sau chiến thắng của Tổng thống Trump, thị trường vàng thế giới đã chứng kiến chuỗi ngày “giảm một mạch” của kim loại quý này. Giá vàng giao ngay đã giảm gần 7% kể từ khi ông Donald Trump dành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chỉ số DXY – thước đo sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền mạnh khác tăng đều qua từng phiên, và chạm 106,52 điểm – mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây vào phiên 14/11. Việc được định giá bằng đồng USD đã gây áp lực giảm lên giá vàng. “Kỳ trăng mật” của vàng không còn, dòng tiền dịch chuyển nhiều hơn sang cổ phiếu và Bitcoin.
Trong khi vàng đang bị “lạnh nhạt”, sắc xanh bao phủ trên các thị trường khác như chứng khoán và Bitcoin. Màn tái xuất của ông Trump đưa chứng khoán Mỹ lên mức điểm cao kỷ lục. Ngày 6/11, sau khi có thông tin ông Trump tái đắc cử, cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức tăng tốt nhất kể từ tháng 11/2022 khi các nhà đầu tư kỳ vọng vị Tổng thống sẽ sớm thực hiện lời hứa giảm thuế doanh nghiệp và nới lỏng quy định lúc tham gia tranh cử.
Thị trường tiền ảo cũng “xanh rực” khi đồng Bitcoin liên tục chinh phục những mức giá cao kỷ lục, vượt qua mốc 93.000 USD. Động lực đằng sau màn tăng phi mã này đến từ quan điểm ủng hộ tiền điện tử và cam kết đưa Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu về tiền kỹ thuật số của tân Tổng thống.
Những biến động trên thị trường vàng thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp với thị trường vàng trong nước. Giá vàng nhẫn tròn trơn được điều chỉnh giảm theo từng giờ, bám sát với đà giảm của giá vàng thế giới.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, vàng nhẫn đã mất giá khoảng 6,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, mức mất giá của vàng miếng SJC là 5,5 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong nhiều tháng qua của vàng nhẫn và vàng miếng SJC.
Mặc dù giá vàng liên tục lao dốc nhưng cũng không thể hạn chế dòng tiền của người dân tiếp tục đổ mạnh vào kênh đầu tư này. Thanh khoản trên thị trường vàng tăng đột biến những ngày qua khi người dân tranh thủ “ôm vàng” giá rẻ.
Ghi nhận tại nhiều tiệm vàng, số lượng người mua vàng luôn cao hơn lượng người đến bán ra. Thậm chí, một số tiệm vàng lớn còn phải áp dụng biện pháp lấy số xếp hàng và giới hạn số lượng vàng được mua để đảm bảo “ai cũng có phần”.
Nếu như giai đoạn 2016 – 2021, hiệu suất sinh lời của vàng chỉ dao động ở mức 6,1% thì bình quân 9 tháng đầu năm 2024, vàng đã có mức sinh lời gần 30%. Cùng với đó, nhiều dự báo cho thấy giá vàng sẽ sớm phục hồi trở lại, kích thích dòng tiền của người dân chảy mạnh vào vàng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích từ WiGroup, so với các loại tài sản khác trong dài hạn, vàng không phải là kênh đầu tư tốt. Cùng với đó là biến động không ngừng khi giá bị dao động mạnh với các yếu tố trên thị trường. Chưa kể, giá vàng phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, đặc biệt là tình hình chính trị thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, bản chất của vàng là kênh trú ngụ an toàn và chỉ chỉ nên chiếm 5-10% tổng tài sản của một nhà đầu tư không chuyên. Ngoài ra, người dân cũng không nên mua vàng theo hiệu ứng đám đông hoặc “lướt sóng” để chốt lời nhằm giảm thiểu rủi ro.
Các kênh đầu tư khác ra sao?
Trong khi thị trường vàng “sục sôi”, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, bất động sản cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Số liệu mới nhất của NHNN chỉ ra, trong 8 tháng năm 2024, người dân đã gửi tiết kiệm hơn 6.924 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2024, bình quân mỗi ngày có 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng. Xu hướng tăng tiền gửi tại ngân hàng tiếp tục diễn ra trong tháng 9 và 10 khi tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10 đạt 14,5 triệu tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục tăng vọt là do lãi suất tiết kiệm bắt đầu đi lên từ quý II/2024. Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng 11, đã có 6 ngân hàng, bao gồm MB, Agribank, Techcombank, ABBank, BVBank và VIB điều chỉnh tăng lãi suất huy động.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn có thể tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm vào cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn tăng, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động hiện thấp nhất ở mức 4,3%/năm đối với kỳ hạn 1 – 3 tháng và cao nhất là hơn 6%/năm đối với kỳ hạn từ 12 – 18 tháng trở lên.
Đáng nói, các ngân hàng còn trả mức lãi suất cao vượt 8%/năm đối với khách hàng VIP. Chẳng hạn như tại HDBank, mức lãi suất huy động cao nhất ở mức 7,7% đối với kỳ hạn 12 tháng và 8,1%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng dành cho khách hàng duy trì số dư tài khoản tiết kiệm tối thiểu 500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro như giá vàng biến động mạnh, thị trường chứng khoán bấp bênh, kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi,…, nhiều người dân vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm như một kênh trú ẩn an toàn, chờ đợi thời điểm thuận lợi để đầu tư.
Thị trường bất động sản cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo thống kê của Batdongsan.com, nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam trong tháng 10/2024 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung cũng tăng 13% so với tháng 10/2023.
Sự khởi sắc của thị trường bất động sản còn được phản ánh qua tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản tại nhiều ngân hàng trong 3 quý năm 2024. Theo thống kê của NHNN, tính đến hết ngày 30/9/2024, dư nợ cho vay bất động sản tại hệ thống ngân hàng đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản kinh doanh tăng 16% và dư nợ tín dụng bất động sản tiêu dùng tăng 4,6% so với đầu năm.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng, việc 3 bộ luật quan trọng đối với thị trường bất động sản là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Theo vietnamfinance