Kích cầu thế nào khi du khách Việt không còn mê giảm giá?

Khi xu hướng du lịch của khách hàng thay đổi vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp cũng cần làm mới để đáp ứng nhu cầu ngày một cao.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, du lịch nội địa được xem là cứu cánh cho ngành du lịch. Điều này đòi hỏi các tỉnh thành phải liên kết với nhau để tạo ra nhiều sản phẩm mới, những chiến dịch quảng bá quy mô rộng…

Tuy nhiên, nhiều vấn đề còn tồn đọng khiến các liên minh kích cầu chưa thực sự hoàn thiện và hiệu quả. Câu chuyện này đã được đưa ra thảo luận tại diễn đàn “Lữ Hành Việt Nam 2021 – Giải pháp khôi phục và phát triển” tổ chức tại Cát Bà (Hải Phòng) vừa qua.

Các vấn đề của liên minh kích cầu

Tại buổi trao đổi, đại diện các hãng lữ hành lớn nhấn mạnh vấn đề tồn đọng trong các liên minh kích cầu.

Phía Vietravel nhận định việc quan trọng cần làm để phục hồi ngành du lịch sau dịch là đẩy mạnh liên kết liên minh giữa các doanh nghiệp. Từ đó, du khách sẽ được tiếp cận những gói kích cầu thực sự hấp dẫn.

Đại diện đơn vị này nhấn mạnh chương trình kích cầu của các doanh nghiệp vẫn nhỏ lẻ, không tạo được hiệu ứng lan truyền và chính sách giá chưa thực sự hấp dẫn. Điểm mấu chốt của kích cầu là giải quyết vấn đề lượt khách. Do đó, các liên minh cần đem đến chương trình tạo được hiệu ứng lan tỏa cao.

Nhiều vấn đề tồn đọng trong các liên minh khiến việc kích cầu du lịch chưa thực sự hoàn hảo. Ảnh: Flamingo Redtours.

Quan điểm này cũng tương tự ý kiến của ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours. Theo vị đại diện này, sự gắn kết giữa các bên chưa cao dẫn tới việc sản phẩm được đưa ra không tối ưu tính hấp dẫn.

“Nòng cốt liên minh kích cầu chủ yếu tập trung vào công ty lữ hành, hàng không mà thiếu sự tham gia từ các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…”, ông Hoan chia sẻ.

Một vấn đề khác được đưa ra thảo luận là thời gian diễn ra kích cầu. Thời gian kích cầu ngắn khiến việc truyền thông, bán sản phẩm tới khách bị hạn chế. Giải pháp được đưa ra là kéo dài chương trình kích cầu, có thể từ 1-2 năm với các giai đoạn.

Giai đoạn đầu, các đơn vị nên kích thích lúc thấp điểm và duy trì khi thị trường đang ổn định. Đến giai đoạn bão hòa, họ cần làm mới, bổ sung ưu đãi để duy trì tính ổn định cho thị trường, điểm đến. Chương trình kích cầu cần được mở rộng với sự liên kết của nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Một vấn đề khác tồn tại trong các liên minh kích cầu là sự thiếu thống nhất. Khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng, một số nhà cung cấp dịch vụ lại phá cam kết như tăng giá, bổ sung những chương trình hấp dẫn hơn.

Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi các thành viên không được đảm bảo. Mặt khác, sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến cũng khiến việc kích cầu không hiệu quả.

Do đó, để liên minh kích cầu bền vững và hiệu quả, yếu tố then chốt là sự vào cuộc của tất cả các bên như cơ quan quản lý địa phương, nhà cung cấp dịch vụ, công ty lữ hành hay đơn vị truyền thông.

Việc trở thành điểm đến yêu thích, thương hiệu hấp dẫn du khách không phải vấn đề ngày một, ngày hai. Vì vậy, các bên liên quan cần tuân thủ cam kết ban đầu, tránh tình trạng thấy dấu hiệu khả quan đã phá vỡ chính sách.

Ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh về vấn đề đảm bảo cam kết giữa các bên tham gia liên minh kích cầu. Ảnh Zing

Những đơn vị vận chuyển, đặc biệt là hàng không nên có chính sách linh hoạt, lộ trình tăng giá cụ thể và bảo đảm quyền lợi của các công ty du lịch tham gia kích cầu từ đầu. Thời gian khuyến mại cũng cần điều chỉnh, tránh tình trạng quá ngắn khiến truyền thông chưa đủ thấm, lữ hành khó gom khách.

Về phía các công ty lữ hành, họ nên hợp tác và chia sẻ quyền lợi trên nguyên tắc tôn trọng uy tín, thương hiệu, bình đẳng trong ứng xử với khách hàng của nhau. Bên cạnh đó, sự tham gia từ các kênh truyền thông cũng rất quan trọng nhằm đưa chương trình kích cầu đến với du khách.

Đòi hỏi của du khách

Không còn các chuyến bay thương mại đi quốc tế, du khách chỉ có thể lựa chọn du lịch trong nước. Điều này tạo lợi thế lớn cho du lịch nội địa phát triển.

Trong đợt kích cầu đầu tiên do Tổng cục Du lịch phát động, kết quả thu được rất khả quan. Kết quả đến từ các chương trình giảm giá mạnh, tới 50-60%. Tuy nhiên, chương trình kích cầu lần 2 từ tháng 9/2020 đã bộc lộ nhiều vấn đề khi không còn dư địa để giảm giá.

“Du lịch trong nước là phao cứu sinh của du lịch nội địa. Khi miếng bánh gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu”, ông Hoan cho hay.

Theo đại diện đơn vị này, khách hàng đang muốn tìm những sản phẩm mang tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị. Các điểm đến cũ cần được làm mới nhằm kích thích nhu cầu du lịch, thu hút khách chi tiêu trở lại nhiều lần.

Xu hướng du lịch của du khách đang thay đổi vì đại dịch. Ảnh: Flamingo Redtours

Để tạo sự thu hút, các doanh nghiệp sẽ cần phải hiểu du khách muốn gì. Về phần này, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty Hanoitourist, chỉ ra một số yếu tố đang trở thành xu hướng.

Thứ nhất, du lịch bền vững đang lên ngôi sau đại dịch. Du khách có xu hướng chọn những điểm đến ít người, sản phẩm mang tính bền vững cao. Trong tương lai, yêu cầu du lịch có trách nhiệm xuất phát từ khách hàng hứa hẹn trở thành xu thế.

“Các cộng đồng nhỏ sẽ mang vai trò lớn hơn khi khách không còn du lịch ồ ạt vào một số điểm. Do đó, các địa phương cần đa dạng hóa điểm đến, phát triển du lịch cộng đồng và tích cực bảo vệ môi trường. Hiện tại, du khách đi du lịch có chủ đích nhiều hơn là tính thường xuyên. Họ suy nghĩ về cách thức, lý do và dành thời gian nghiên cứu những chương trình du lịch”, ông Thắng chia sẻ.

Những chuyến đi ngắn ngày đang được quan tâm nhiều hơn. Việc chuyển đổi số cũng cần chú trọng để đáp ứng thị trường du lịch. Ngoài những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cũng phải đánh giá lại thị trường du lịch quốc tế, nội địa để cơ cấu phù hợp với xu hướng của khách hàng.

Theo Zing