Kỳ vọng tín dụng khởi sắc năm 2024

Kinhtetrithuc.vn – Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng đạt 9,87%. Trước đó, ngày 30/11 con số này đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng.

Tín dụng bật tăng cuối năm

Tín dụng tăng mạnh trong tháng 12 theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo ngân hàng là hoàn toàn phù hợp. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho rằng, tín dụng bật tăng có hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa được NHNN điều chỉnh room tín dụng, tạo nhiều dư địa cho vay, nhất là giai đoạn này lãi suất đang ở mức rất thấp, kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng.

TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Enomica Việt Nam đánh giá tích cực động thái điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng rất phù hợp với bối cảnh thị trường. Việc nới room lần này theo TS. Bình thể hiện sự linh hoạt của NHNN trong việc phân bổ lại hạn mức tín dụng để các ngân hàng hết room mà vẫn có khả năng giải ngân tốt, đảm bảo các tiêu chí về an toàn, về chất lượng hoạt động… có thêm dư địa cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Có thể thấy sau những tín hiệu tích cực từ điều chỉnh chính sách của NHNN cũng như nỗ lực giảm mạnh lãi suất của các ngân hàng, tín dụng đang cải thiện rõ rệt.

Thực trạng tín dụng chung của toàn hệ thống trong năm 2023 tăng thấp hơn so với mục tiêu đề ra cũng đã được dự báo. Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm vẫn còn thấp như đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển… chưa phát huy hiệu quả.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay… Nguyên nhân khác là khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng nhóm khách hàng này chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Ngoài ra, kết quả tăng trưởng tín dụng chưa được kỳ vọng do bối cảnh chung, nhất là vấn đề liên quan đến pháp lý chưa tháo gỡ kịp thời, tồn tại nhiều năm nay khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Tuy vậy, phải khẳng định rằng, đạt được con số tăng trưởng tín dụng như trên, trong thời gian vừa qua, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng tập trung các giải pháp đẩy mạnh cung ứng vốn, các bộ, ngành khác triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như kích cầu đầu tư, đẩy nhanh đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản…

Các ngân hàng cho biết nếu có điều kiện sẽ giảm thêm lãi suất
Nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2024

Có thể thấy việc tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra cũng phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Tuy nhiên, với sức bật tăng trưởng tín dụng tháng cuối năm, cùng với kỳ vọng kinh tế phục hồi, giới chuyên môn đánh giá bước sang năm 2024 tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện tốt hơn. TS. Lê Duy Bình nhận định, hiện tại một số chỉ số kinh tế đang tốt hơn như lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu hồi phục. Cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, đà tăng tín dụng có thể duy trì trong năm 2024. “Về mặt triển vọng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ tích cực hơn so với năm nay. Cộng với các biện pháp như hiện nay NHNN đang thực hiện cũng sẽ kỳ vọng tín dụng có mức độ tăng khá trong năm tới”, TS. Bình bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, bà Bùi Thuý Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, giữ an toàn hệ thống, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Theo bà Hằng, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, như việc đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Từ đó, TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ở góc độ ngân hàng, các ngân hàng cho biết, nếu có điều kiện sẽ giảm thêm lãi suất. Trước mắt sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay. “Có thể nói giai đoạn này nhiều ngân hàng đang dư vốn nên buộc phải giảm mạnh lãi suất kích thích khách hàng vay vốn. Thà hoà vốn còn hơn để vốn tồn trong kho”, đại diện một ngân hàng chia sẻ.

Để tháo gỡ khó khăn của khách hàng đang gặp phải theo ông Nguyễn Đình Tùng, ngân hàng cần phải kiên nhẫn hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh tiếp tục giảm lãi suất, ngân hàng phải đồng hành theo sát với khách hàng để có cơ chế phù hợp. Khách hàng nào đang khó khăn nhưng vẫn có khả năng phục hồi được thì cố gắng vận dụng cơ chế, thông thoáng hơn trong chuyện giải quyết vay. Chẳng hạn, trước đây khách hàng được vay 70% giá trị tài sản đảm bảo, trong giai đoạn này có thể cho vay 100% hỗ trợ khách hàng sớm phục hồi. Thậm chí đối với khách hàng có phương án kinh doanh khả thi, ngân hàng có thể cho vay tín chấp tạo dòng tiền mới cho khách hàng nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. “Không có liều thuốc vạn năng chữa bách bệnh. Mỗi doanh nghiệp đều có nhu cầu, khó khăn riêng. Nếu ngân hàng sát sao tình hình hoạt động khách hàng sẽ giải quyết kịp thời gỡ khó cho khách hàng, sớm phục hồi phát triển”, ông Tùng nhìn nhận.

Theo Thời báo ngân hàng

Xem thêm: