Liên tục lập đỉnh, liệu cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục tăng?

Giá hầu hết cổ phiếu ngân hàng tăng 2-3 chữ số từ đầu năm, nhưng các chuyên gia cho rằng định giá nhóm cổ phiếu này vẫn còn hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực.

Cùng với nhóm cổ phiếu ngành thép, chứng khoán, cổ phiếu ngành ngân hàng đang là nhóm có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, vượt trên cả mức tăng của thị trường chung.

Trong 26 mã cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, duy nhất cổ phiếu BID (BIDV) ghi nhận xu hướng giảm 1,6% so với đầu năm. Ngược lại, 25/26 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều ghi nhận tăng trưởng, với mức tăng cao nhất lên tới 125,8% của LPB (LienVietPostBank).

Tính bình quân, mức tăng trưởng của 26 mã cổ phiếu ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay cũng là 60,8%, cao gấp 3 lần mức tăng chung của chỉ số VN-Index (17,85%) và gấp đôi mức tăng của chỉ số VN-30 (33,6%) cùng giai đoạn.Những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Định giá vẫn hấp dẫn

Dù đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay, các chuyên gia phân tích vẫn cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn hấp dẫn với định giá thấp hơn thị trường và các ngân hàng khác trong khu vực mới nổi.

Cụ thể, nhóm chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn có định giá hấp dẫn, với mức P/E (giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) và P/B (giá trên giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu) toàn ngành thấp hơn lần lượt 30% và 16% so với VN-Index.

Ngoài ra, so với nhóm ngân hàng trong các thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hiện tại của cổ phiếu ngân hàng trong nước hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung.

Theo IVS, đà tăng của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua đến từ kết quả kinh doanh quý I tích cực với nguyên nhân chính từ tín dụng toàn nền kinh tế phục hồi tốt.

Đến cuối quý I, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã đạt 2,93% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng 0,68% cùng kỳ năm trước. Cả năm nay, IVS cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể đạt 8-12%.Cổ phiếu ngân hàng vẫn có định giá hấp dẫn so với thị trường chung và các ngân hàng trong khu vực.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp đến cuối năm cùng thanh khoản hệ thống dồi dào. Nợ xấu được kiểm soát tốt và Thông tư 03/2021 giúp giảm áp lực trích lập dự phòng ngắn hạn cho các ngân hàng.

Từ các yếu tố này, IVS cho rằng hầu hết ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm nay.

“Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LPB, OCB, SHB, VCB, TPB, VPB), hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDB, LPB), sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022”, báo cáo của IVS nhấn mạnh.

Còn tăng đến cuối năm?

Tương tự, nhóm chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho biết dù định giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng thời gian qua, nhưng vẫn ở mức hấp dẫn. Cụ thể, hiện nay, P/B dự phóng toàn ngành ngân hàng đang ở mức 1,8x, cao hơn mức định giá toàn ngành.

Theo BSC, nguyên nhân có thể đến từ tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn. Cùng với đó, các câu chuyện của từng nhà băng trong năm nay cũng giúp đánh giá lại giá trị các cổ phiếu.

Ngoài ra, lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp cũng giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (bao gồm cả cổ phiếu ngân hàng) cao hơn.

Về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng, các chuyên gia của BSC cho rằng yếu tố giúp cải thiện lợi nhuận quý I và cả năm nay là tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng. Trong đó, NIM các ngân hàng đã tăng mạnh thời gian qua do lãi suất huy động giảm mạnh hơn lãi suất cho vay.

Trong quý II, lãi suất bình quân có thể tăng so với cùng kỳ do các khoản vay chủ yếu được tái cơ cấu và giảm lãi suất bắt đầu từ cuối quý I và kéo dài đến hết năm 2021. Ngược lại, lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động khi thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào.

Vì vậy, NIM toàn ngành quý II được dự báo tiếp tục cải thiện mạnh so với cùng kỳ.

Ngoài ra, thu nhập từ phí dịch vụ và việc nợ tái cơ cấu giảm mạnh trong năm nay cũng sẽ giúp tỷ lệ trích lập của các ngân hàng ở mức thấp, qua đó tác động tích cực lên lợi nhuận.

BSC dự báo tổng thu nhập và lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng sẽ đạt 407.900 tỷ và 177.135 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,2% và 34,3% so với năm 2020.

Còn theo SSI Research, câu chuyện tăng vốn khủng của các ngân hàng sau 2 năm gián đoạn (tác động pha loãng lợi nhuận không đáng kể) có thể là yếu tố nâng đỡ cho sự vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm.

Với đà tăng mạnh thời gian qua, các chuyên gia tại đây cho rằng cần cẩn trọng hơn đối cổ phiếu ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá. Tuy nhiên, vẫn có những cơ hội tăng tốt ở nhóm cổ phiếu như CTG (VietinBank), TCB (Techcombank) và VCB (Vietcombank).

Ngoài ra, cổ phiếu VPB (VPBank), TPB (TPBank) và STB (Sacombank) cũng có yếu tố tác động tích cực đến từ việc tăng vốn và lợi nhuận hồi phục sau khi xử lý hết nợ xấu.

Theo Zing