Ngành tôm Việt điều chỉnh chiến lược trước thay đổi từ thị trường Mỹ

Kinhtetrithuc.vn – Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một lô hàng tôm của Việt Nam trị giá 5 triệu USD có thể bị mất hơn 2 triệu USD nếu chịu thuế đối ứng 46%.

Doanh nghiệp xuất khẩu nên cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng

Trong những năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất và truyền thống của Việt Nam, với tỷ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ dao động từ 800 triệu – 1 tỉ USD, năm 2021 đạt kỷ lục 1 tỉ USD. Hiện có khoảng 230 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Tôm là mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sáng Mỹ – Ảnh: TN

Ngày 2.4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp thuế quan đối ứng nhằm giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo đó, mức thuế 10% sẽ áp dụng với tất cả quốc gia từ ngày 5.4. Tuy nhiên, các nước có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ sẽ chịu mức thuế cao hơn từ ngày 9.4, trong đó Việt Nam phải gánh thuế 46%, cao hơn đáng kể so với các đối thủ xuất khẩu thủy sản như Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%).

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng với mức chênh lệch thuế quá lớn, thủy sản Việt Nam gần như không thể cạnh tranh, đặc biệt khi Ecuador chỉ chịu thuế 10%. “Trước đó doanh nghiệp chỉ dự đoán mức thuế có thể khoảng 10%, nhưng con số thực tế lại cao gấp nhiều lần. Nếu không có giải pháp từ Chính phủ hoặc đàm phán để điều chỉnh mức thuế, việc rút khỏi thị trường Mỹ không còn là viễn cảnh”, VASEP nhìn nhận.

Một mối lo khác là nếu Mỹ tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng thay vì ngày xuất hàng, những lô hàng đã rời Việt Nam trước ngày 5.4 nhưng chưa đến Mỹ vẫn có thể bị áp thuế mới, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Theo tính toán, một lô hàng trị giá 5 triệu USD có thể bị mất hơn 2 triệu USD nếu chịu thuế 46%, đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn chồng chất.

Không chỉ đối mặt với thuế nhập khẩu mới, xuất khẩu tôm Việt Nam còn đang chịu sức ép từ 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục áp thêm thuế từ các vụ kiện này, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt có thể phải gánh tới 3 loại thuế.

VASEP cũng kỳ vọng cuộc đàm phán giữa Chính phủ hai hai nước sẽ đạt được kết quả tích cực. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng nên cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Không nên xuất hàng từ ngày 5.4 để tránh bị áp thuế bổ sung 10%; không xuất hàng từ ngày 9.4 để tránh mức thuế đối ứng 46%.

Các doanh nghiệp nên chờ hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch xuất khẩu tiếp theo. Trong khi đó, vẫn đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nhiều giá trị gia tăng và tìm kiếm các thị trường thay thế.

Biến thách thức thành cơ hội

Trong bối cảnh các doanh nghiệp và ngành nông sản Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Môi trường Đỗ Đức Duy đã có những thông tin về tình hình và giải pháp ứng phó.

Bộ trưởng cho biết, trong những ngày qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó với các thay đổi trong chính sách thuế của Mỹ. Mặc dù các bộ ngành đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có những phương án dự phòng từ trước, nhưng mức thuế cao được công bố vẫn khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ. Thực tế, ngay trong nội bộ Mỹ cũng đang có những ý kiến trái chiều về chính sách này, làm cho các diễn biến trong thời gian tới trở nên khó lường.

Không chỉ là vấn đề thuế quan, chính sách này còn liên quan đến các yếu tố như chênh lệch thương mại hai chiều, thuế phi thuế quan và nhiều yếu tố khác mà Mỹ đã nắm rất rõ thông tin. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp và đối tác thương mại của Mỹ đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ hợp đồng với Việt Nam.

“Quan điểm của Việt Nam là không đối đầu, mà tìm kiếm các giải pháp tổng thể, lâu dài, trong đó đặc biệt chú trọng đàm phán”, Bộ trưởng khẳng định.

Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ tiếp tục lắng nghe, hiến kế để tìm ra những giải pháp thiết thực. Đồng thời, việc đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng ngành hàng và quốc gia sẽ là yếu tố quyết định trong giai đoạn khó khăn này.

“Trong các cuộc đàm phán với Mỹ, chúng ta cần phát huy những lợi thế sẵn có của nông sản Việt Nam: chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, không trực tiếp cạnh tranh với sản xuất nội địa Mỹ và nhiều mặt hàng không có lựa chọn thay thế”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thách thức cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng và thị trường xuất khẩu. Đây là thời điểm phù hợp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng tới mô hình sản xuất bền vững, chất lượng cao hơn. Mỹ vẫn là một trong những thị trường lớn, giàu tiềm năng và có tỷ suất lợi nhuận cao đối với nông sản Việt.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo từ trước. Trong đó, việc đàm phán với các đối tác của Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, nhằm có tiếng nói chung với Chính phủ Mỹ.

Đặc biệt, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân duy trì kế hoạch sản xuất, không thay đổi trong thời gian này. Đồng thời sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát các rào cản kỹ thuật về cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Bộ cũng phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ngành sản xuất vật tư đầu vào cho nông nghiệp, như thức ăn chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, khuyến khích chế biến sâu, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực tạm trữ, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

Theo Tuyết Nhung / Một Thế Giới

Xem thêm: