Số ca mắc covid-19 đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM vượt 20.000

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết từ 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 20.411 ca dương tính với nCoV, 246 ca đang thở máy và 7 ca cần can thiệp ECMO

Tại hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức báo cáo từ 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 142 ca tử vong. Riêng từ 1/7, thành phố trung bình ghi nhận 1.305 ca nhiễm mỗi ngày, hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn phát hiện ca nhiễm qua xét nghiệm giám sát tại cộng đồng.

Ông Đức cho biết từ 27/4 đến nay thành phố phát hiện 20.411 ca dương tính, 246 ca đang thở máy và 7 ca cần can thiệp ECMO.

Giải ngân hơn 310 tỷ giúp người dân gặp khó khăn

Về năng lực cách ly, ngoài 14 khu cách ly tập trung F1, thành phố đã thành lập thêm 88 khu cách ly tập trung với công suất 10.000 giường và 55 khách sạn để cách ly F1.

Về năng lực điều trị, 3 ngày qua, thành phố đã đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư tại Khu tái định cư phường An Khánh và một Trung tâm Hồi sức Covid-19 với công suất 1.000 giường. Thành phố đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 bệnh viện, đang điều trị 15.990 bệnh nhân.

Qua 4 đợt tiêm vaccine, thành phố đã tiêm cho 991.872 người, trong đó có 48.275 người đã tiêm đủ 2 mũi. TP.HCM đang lên kế hoạch chuẩn bị đợt tiêm vaccine thứ 5 vào tuần tới, với tổng 930.000 liều vaccine AstraZeneca, Moderna, và Pfizer.

Về sản xuất an toàn, hiện thành phố có 216 doanh nghiệp đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất, trong đó, 205 doanh nghiệp đang triển khai. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM (HEPZA) đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng, Khu Công nghệ cao cũng đã lên danh sách nhà trống để sẵn sàng chuyển mục đích thành khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến khi cần.

Số ca mắc covid-19 đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM vượt 20.000 - kinhtetrithuc.vn
TP.HCM kiểm soát chặt chẽ người ra vào trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, thành phố đã giải ngân hơn 310 tỷ đồng trên tổng số 886 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TP (chiếm tỷ lệ 35%). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM đã tiếp nhận 996 tỷ đồng tiền hỗ trợ dịch Covid-19 và đã phân phối hơn 869 tỷ đồng tiền và hàng hóa.

Mật độ giao thông giảm 70-80% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 10. Từ ngày 9/7 đến nay, các quận, huyện, TP đã lập 969 đoàn kiểm tra, xử phạt 3.931 vụ với tổng số hơn 8 tỷ đồng.

Giá cả tại chợ truyền thống biến động mạnh

Về các hạn chế trong 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16, ông Đức cho biết tại quận 4, quận 7, quận 8, do cán bộ, công chức tham gia chống dịch có nơi cư trú thuộc khu vực phải phong tỏa, cách ly, nên ảnh hưởng đến nguồn lực chống dịch. Quận 7, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn có tình trạng thiếu cơ sở vật chất, cần thành phố hỗ trợ để sớm tổ chức tiếp nhận F0, F1 tại những khu vực này.

Giai đoạn đầu giãn cách, một số điểm xét nghiệm còn tập trung đông người. Gần đây, hiện tượng này được kéo giảm và gần như không còn. Khu cách ly, phong tỏa còn tình trạng giao lưu, tiếp xúc, không đảm bảo quy định.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết chuỗi cung ứng của thành phố gặp khó khăn do hạn chế về phương tiện vận chuyển. Giá cả tại chợ truyền thống biến động mạnh, tăng 1,5-2 lần so với trước khi giãn cách. Riêng giá tại hệ thống siêu thị như Saigon Co.op và Satra vẫn ổn định, không thay đổi.

Số ca mắc covid-19 đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM vượt 20.000 - kinhtetrithuc.vn  2
F0 chờ nhập viện tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Báo cáo về kết quả của cuộc thi đua “mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết từ 9/7 đến nay, thành phố ghi nhận 9.736 ca dương tính, trong đó, 1.794 ca trong cộng đồng.

Phát biểu ở cuộc họp, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, kiến nghị thành phố cho tạm dừng các công trình xây dựng, ngoại trừ công trình trọng điểm quốc gia. Mục tiêu là để phòng, chống dịch trong những ngày còn lại áp dụng Chỉ thị 16.

Ngoài ra, ông Lâm nêu một khó khăn trong giao thông hiện nay là Bộ Y tế chưa thống nhất được thời hiệu của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Việc này khiến tài xế khó khăn khi di chuyển qua các địa phương.

Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng. Riêng các công trình xây dựng vẫn được hoạt động.

TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.

Từ 27/4 đến trưa 15/7, TP.HCM ghi nhận 19.405 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.

Theo Zing