Thị trường ngày 13/5: Giá thép, quặng sắt và đồng tăng cao kỷ lục, dầu cao nhất 8 tuần

Chốt phiên giao dịch ngày 12/5, giá dầu cao nhất 8 tuần, khí tự nhiên cao nhất 11 tuần, đồng, thép và quặng sắt cao kỷ lục, đậu tương cao nhất 8,5 năm, trong khi đường và cà phê đồng loạt giảm.

Giá dầu cao nhất 8 tuần

Giá dầu tăng lên mức cao nhất 8 tuần, do xuất khẩu giảm, dấu hiệu nền kinh tế hồi phục nhanh chóng và dự báo lạc quan về nhu cầu năng lượng.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/5, dầu thô Brent tăng 77 US cent tương đương 1,1% lên 69,32 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 80 US cent tương đương 1,2% lên 66,08 USD/thùng. Đây là mức cao nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 11/3/2021 và dầu WTI kể từ ngày 5/3/2021.

Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm xuống 1,8 triệu thùng/ngày (bpd) – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi tồn trữ dầu thô giảm 0,4 triệu thùng so với dự báo giảm 2,8 triệu thùng.

Các thương nhân cho rằng, yếu tố trong báo cáo hàng tồn kho của Mỹ hỗ trợ giá là tổng sản phẩm dầu được cung cấp trong tuần trước giảm 2,2 triệu bpd xuống 17,5 triệu bpd. Đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu đã vượt xa nguồn cung và sự thiếu hụt dự kiến sẽ gia tăng ngay cả khi Iran tăng cường xuất khẩu.

Giá khí tự nhiên cao nhất 11 tuần

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 11 tuần, theo xu hướng thị trường dầu tăng, bất chấp dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 1,4 US cent tương đương 0,5% lên 2,969 USD/mmBTU – mức cao nhất kể từ ngày 19/2/2021.

Giá đồng đạt gần mức cao kỷ lục

Giá đồng tăng lên gần mức cao kỷ lục do kỳ vọng nhu cầu trong nền kinh tế cacbon thấp tăng mạnh và sự hồi phục từ đại dịch tại các quốc gia phương Tây đã thúc đẩy hoạt động mua vào.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,1% lên 10.475 USD/tấn – không xa so với mức cao kỷ lục (10.747,5 USD/tấn) trong ngày 10/5/2021.

Giá đồng trong năm ngoái đã tăng gấp đôi, được thúc đẩy bởi nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc –và các nền kinh tế khác hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Giá thép và quặng sắt đều đạt mức cao kỷ lục

Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải và giá quặng sắt tại Đại Liên đều đạt mức cao kỷ lục, khiến các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ rủi ro trong bối cảnh giá tăng mạnh.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 3,5% lên 6.683 CNY (1.037,12 USD)/tấn. Giá thép cây tăng 2,2% lên 6.171 CNY/tấn – mức cao kỷ lục. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 2,2% lên mức cao đỉnh điểm 15.580 CNY/tấn.

Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,9% lên 1.338 CNY/tấn.

Mặc dù thị trường sản phẩm thép tăng mạnh trong vài tháng qua, song khu vực phía nam Trung Quốc bước vào mùa mưa có thể khiến nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng suy giảm.

Trong khi đó, công ty sản xuất thép tấm ô tô hàng đầu Trung Quốc – Baoshan Iron & Steel – cho biết, nhu cầu ô tô trong quý 2/2021 bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip, trong khi quý 3/2021 thường là mùa thấp điểm.

Giá cao su tăng

Giá cao su tại Nhật Bản tăng theo xu hướng giá cao su tại thị trường Thượng Hải và các hàng hóa khác tăng.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Osaka tăng 0,5 JPY tương đương 0,3% lên 253 JPY/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 14.290 CNY/tấn, trong khi giá các hàng hóa khác bao gồm đồng tăng 1,6%.

Giá cà phê giảm

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 3,6 US cent tương đương 2,4% xuống 1,465 USD/lb, trong tuần trước đó đạt 1,554 USD/lb – cao nhất 4 năm.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London giảm 18 USD tương đương 1,2% xuống 1.514 USD/tấn.

Rabobank nâng dự báo giá cà phê Arabica sẽ dao động ở mức 1,33-1,57 USD/lb do đồng real Brazil tăng mạnh.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 4/2021 giảm 22,1% so với tháng 3/2021.

Giá đường rời khỏi mức cao nhất 2,5 tháng

Giá đường thô giảm, rời khỏi mức cao nhất 2,5 tháng do giá ethanol tăng và thị trường lo ngại về năng suất cây trồng mía đường tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,26 US cent tương đương 1,4% xuống 17,84 US cent/lb, trong đầu phiên giao dịch đạt 18,25 US cent/lb – cao nhất kể từ cuối tháng 2/2021.

Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 0,5% xuống 478,1 USD/tấn.

Rabobank dự kiến giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 và tháng 10/2021 sẽ dao động ở mức 15,5-18,5 US cent/lb, do giá ethanol tại Brazil tăng đã thúc đẩy các nhà máy chuyển hướng sản xuất ethanol từ mía nhiều hơn đường.

Sản lượng đường Brazil tính đến tháng 4/2021 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1,51 triệu tấn.

Nhập khẩu đường của Trung Quốc năm 2020/21 (tính đến cuối tháng 9/2021) đạt 4,5 triệu tấn so với 3,76 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Giá đậu tương cao nhất 8,5 năm, giá ngô giảm

Giá đậu tương tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 8,5 năm, sau báo cáo nguồn cung đậu tương sẽ vẫn thắt chặt ngay cả sau vụ thu hoạch 2021 của Mỹ.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 27-3/4 Us cent lên 16,42-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 16,67-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 9/2012. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 7-1/2 US cent xuống 7,14-3/4 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 18-1/4 US cent xuống 5,93 USD/bushel.

Giá dầu cọ tăng 4%

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng 4% lên mức cao kỷ lục 4.524 ringgit (1.096,2 USD)/tấn, do lo ngại nguồn cung dầu thực vật toàn cầu thắt chặt và các thương nhân điều chỉnh danh mục đầu tư trước báo cáo ngũ cốc và đậu tương của Mỹ.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 4% lên 4.524 ringgit (1.096,2 USD)/tấn, trong phiên có lúc tăng 174 ringgit/tấn. Trong tuần trước, giá dầu cọ tăng 2,2%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/5

Thị trường ngày 13/5: Giá thép, quặng sắt và đồng tăng cao kỷ lục, dầu cao nhất 8 tuần

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị