Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam giảm mạnh

Quý I/2021, xuất khẩu gạo từ Việt Nam vào Philippines giảm 36% so với cùng kỳ, vì vậy, kéo lượng gạo xuất khẩu của cả nước giảm 25%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2021 ước trên 539 nghìn tấn, với 291 triệu USD. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,192 triệu tấn, và 648,639 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Top 10 thị trường xuất khẩu gạo lớn trong Quý I/2021 lần lượt là Philippines , Trung Quốc, Gana, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Cuba, Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, và Campuchia.

Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Philippines đạt 405.011 tấn, giảm 36% so với cùng kỳ; Thị trường Trung Quốc đạt 257.507 tấn, tăng 57%; Gana đạt 93.579 tấn, giảm 14%; Bờ Biển Ngà đạt 88.637 tấn, tăng 20%; Malaysia đạt 79.235 tấn, giảm 59%; Cuba đạt 60,900 tấn, tăng 127%; Singapore đạt 25.092 tấn, giảm 14%; Hongkong đạt 22.523 tấn, tăng 4%; Hàn Quốc đạt 14.596 tấn, giảm 35% và Campuchia đạt 14.596 tấn, tăng đột biến 2438 %.

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), trong tháng 3/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo Việt Nam đạt 547 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 02/2021 và tăng 19,1% so với tháng 3/2020. Tính bình quân trong Quý I/2021, giá xuất khẩu bình quân gạo đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547 USD/tấn.

Nguyên nhân tăng là do nhu cầu mua gạo Đông Xuân vụ mới từ Việt Nam của các đối tác nước ngoài tăng cao. Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng 401 USD/tấn vào cuối tháng, hiện gạo Ấn Độ đang có giá thấp nhất trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất nên khả năng cạnh tranh tương đối cao so với các nước còn lại. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan đạt mức 538 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 509 USD/tấn vào cuối tháng, nguyên nhân chính là do tỷ giá giảm.

Giá lúa gạo ở khu vực ĐBSCL đang tăng trở lại

Trong tháng 3/2021, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh khu vực ĐBSCL diễn biến theo xu hướng giảm có lúc giá lúa xuống dưới mức 6.000 đ/kg, tuy nhiên, trong tuần qua giá lúa gạo ở khu vực này đã ổn định và tăng nhẹ.

Theo ông Trần Tuấn Kiệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Miền Nam Food, giá lúa gạo trên thị trường ít biến động. Hiện nay nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL cơ bản thu hoạch xong vụ Đông Xuân và đang xuống giống vụ Hè Thu, nguồn cung lúa gạo tại nhà máy xay xát ít trong  khi nguồn cung gạo trong kho của các doanh nghiệp còn khá nhiều nên lượng mua vào không cao, giá cả đi ngang.

Cụ thể: Ngày 16/4/2021, lúa tươi IR 50404 tại ruộng giá 6.100 – 6.200 đ/kg (đứng giá); lúa IR 50404 Campuchia tại cửa khẩu Tịnh Biên giá 5.650 – 5.700 đ/kg, tăng 50 đ/kg. Lúa OM 5451 giá 6.200 – 6.300 đ/kg (đứng giá)…

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ cùng giảm 

Theo Trung tâm thông tin Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Agroinfo), trong tuần qua, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều giảm.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm Thái Lan đạt mức 474 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo 5% tấm Ấn Độ trung bình là 393 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với tuần trước. Việc tỷ giá giảm đã khiến cho nhu cầu của thương nhân nước ngoài với gạo Ấn Độ tăng lên. Giá gạo Việt Nam 5% tấm khoảng 498 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tuần trước. Hiện vụ thu hoạch Đông xuân sắp xong nên hoạt động giao dịch trên thị trường đang có xu hướng giảm xuống.

Trong Quý I/2021, Campuchia đã xuất khẩu được 153,7 nghìn tấn gạo, trị giá 103,7 triệu USD. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Liên đoàn Lúa gạo Campuchia cho rằng đây là hệ quả của việc trì hoãn thu mua của các nhà nhập khẩu lớn từ Châu Âu do tình trạng thiếu hụt container và chi phí vận chuyển tăng cao. Riêng trong tháng 3/2021, Campuchia đã xuất khẩu được 77,5 nghìn tấn, tăng 84,7% so với tháng 2/2021.

Campuchia đã xuất khẩu gạo sang 41 thị trường, trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với tỷ trọng khoảng 55,6%, tiếp đến là thị trường EU và ASEAN. Hiện nay Campuchia đang có kế hoạch đàm phán với Trung Quốc nhằm tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo đã xay xát mà nước này được phép xuất sang Trung Quốc.

Đây là bước đi đầu tiên trong mục tiêu nâng cao tổng lượng xuất khẩu gạo của Campuchia cho đến năm 2022 sẽ đạt 1 triệu tấn/năm. Hiện mức hạn ngạch gạo của Trung Quốc cho Campuchia là 400 nghìn tấn/năm, và Campuchia đang kỳ vọng sẽ tăng được thêm 100 nghìn tấn/năm lên 500 nghìn tấn/năm. Trong năm 2016, hạn ngạch Trung Quốc dành cho Campuchia là 100 nghìn tấn, và tăng dần lên 100 nghìn tấn/năm cho đến năm 2019 là 400 nghìn tấn và giữ nguyên từ đó đến nay.

Theo BizLive