Thứ trưởng Bộ Y tế: ‘Cần nâng mức phòng dịch Covid-19 lên cấp độ mới’

“Các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản, phòng ngừa nguy cơ, không thể khi có tình huống bất ngờ thì gọi điện thoại đến bộ xin ý kiến”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh An Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau chuyến khảo sát thực tế tại địa phương này vào chiều 26/4.

Người dân đang rất chủ quan

Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác điều hành trong phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Đặc biệt, ông đánh giá cao sự hợp tác, đồng lòng của người dân tại 5 huyện giáp biên giới với nước bạn Campuchia.

Thứ trưởng Sơn cho hay hiện tại, một số tỉnh, thành phố đã qua 70 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, An Giang sắp tới sẽ tổ chức nhiều lễ hội lớn và kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày. Ngoài ra, học sinh sắp đến dịp nghỉ hè.

Đây là những thời điểm tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Do đó, thứ trưởng nhấn mạnh chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 lên cấp độ mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Cần nâng mức phòng dịch Covid-19 lên cấp độ mới'
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh An Giang. Ảnh: Minh Thừa.

Ông cho biết khi không có dịch Covid-19 trong nước, người dân rất lơ là, chủ quan. Nhiều thành phố tổ chức lễ hội nhưng một số người không tuân thủ việc đeo khẩu trang. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân TP.HCM còn đeo khẩu trang chụp hình ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng hiện tại thì không duy trì được.

“Trước tình hình này và có lẽ từ trước đến nay, chưa bao giờ chúng ta cần phải nâng mức phòng dịch Covid-19 lên cấp độ mới, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Hiện Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xây dựng 5 kịch bản ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong đó có kịch bản dự báo số lượng ca mắc mới lên đến hơn 100.000 người.

“Các địa phương cần chủ động, xây dựng và hoàn thiện nội dung kịch bản, phòng ngừa tất cả nguy cơ, không thể khi có tình huống bất ngờ thì gọi điện thoại đến Bộ Y tế để xin ý kiến, việc này rất mất thời gian”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, trong đó có tình huống số lượng ca nhập cảnh tăng lên vài chục nghìn người trở về từ Campuchia. Kịch ứng phó khi tỉnh ghi nhận số lượng ca mắc trong cộng đồng và tình huống dịch xuất hiện trong bầu cử. Thứ trưởng đề nghị ngành y tế địa phương phải thường trực, chuẩn bị tinh thần chủ động ứng phó dịch Covid-19.

Hai thông điệp phòng dịch Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh thông điệp đầu tiên, quan trọng nhất là thực hiện 5K. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của khẩu trang và khử khuẩn. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh An Giang có biện pháp quyết liệt trong việc quản lý việc thực hiện 5K tại các lễ hội tập trung đông người. Trường hợp không đeo khẩu trang, cơ quan chức năng của tỉnh phải có biện pháp xử phạt nghiêm.

Thông điệp thứ 2 là quản lý người xuất nhập cảnh trái phép. Hiện một số tỉnh gặp khó khăn trong việc quản lý các trường hợp này.

Đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống dịch tại cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang. Ảnh: Tuấn Dũng.
Đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống dịch tại cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang. Ảnh: Tuấn Dũng.

“Chúng ta cần xây dựng thế trận lòng dân. Mỗi nhà là một pháo đài, người dân là chiến sĩ. Các huyện biên giới thành lập tổ Covid cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà. Mục tiêu là làm sao khi có người lạ, không chỉ tổ Covid cộng đồng phát hiện mà người dân cũng phát hiện kịp thời và thông báo chính quyền địa phương”, thứ trưởng chỉ đạo.

Ông cho biết để phát hiện sớm người nhập cảnh trái phép, bên cạnh tổ chức chốt chặn biên giới, các địa phương cần khuyến cáo người dân thông báo trường hợp nhập cảnh trái phép, có chế độ khen thưởng kịp thời và biểu dương tính tự giác.

“Tôi đề nghị tại địa điểm tập trung công cộng như bến xe, khách sạn, nhà hàng, chủ xe cần ký cam kết khi phát hiện người nghi ngờ phải báo cáo ngay cho chính quyền. Trong thời điểm này, đây là biện pháp tốt”, ông nói.

Thứ trưởng cũng chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM sau đợt bùng phát dịch Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả người có nguy cơ cao tại bến xe, đội bốc xếp, tài xế và xét nghiệm ngẫu nhiên tại các quán ăn uống.

Ông đề nghị khu cách ly tập trung cần tổ chức xét nghiệm cho người cách ly 3 lần, bao gồm ngày đầu tiên, một tuần sau và ngày thứ 14 trước khi rời khu cách ly. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc trang bị hệ thống thiết bị hồi sức cấp cứu tại đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19.m “Với Covid-19, hôm nay người bệnh khỏe mạnh, nhưng đến ngày mai có thể rơi vào suy hô hấp nhanh chóng. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng, đừng để thiếu thốn phương tiện hồi sức”, ông nói.

Theo Zing