Tiền gửi ngân hàng tăng, niềm tin vào thị trường BĐS vẫn chưa phục hồi
Kinhtetrithuc.vn – Tiền gửi của dân vào ngân hàng vẫn đang tăng mạnh. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường bất động sản (BĐS) chưa được phục hồi mạnh và họ vẫn chọn tiết kiệm để bảo toàn tài sản.
Tại Hội nghị BĐS Việt Nam 2023 (VRES 2023) ngày 12.12, ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng dù thị trường BĐS đang khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường là rất lớn vì nhu cầu sở hữu và ở thực của người dân luôn hiện hữu.
“Khó khăn cũng là cơ hội để buộc các chủ đầu tư linh hoạt thích ứng, cơ cấu doanh nghiệp và sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới. Đây cũng là cơ hội để công nghệ BĐS phát triển mạnh, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường”, ông Dương nêu.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết thị trường BĐS Việt Nam vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế 2023 chưa đạt mục tiêu, dự báo GDP năm 2023 chỉ đạt khoảng 5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng đặt ra đầu năm 2023 là 6,5%.
Ngoài ra, thị trường vốn chưa hoàn toàn hồi phục, nhiều loại lãi suất đã giảm nhưng lượng tiền gửi vẫn đang tiếp tục tăng. Sự suy giảm của thị trường vốn thể hiện ở lượng trái phiếu phát hành doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Tính đến ngày 11.10, mới có hơn 50 nghìn tỉ trái phiếu được phát hành, trong khi năm 2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường là gần 300 nghìn tỉ đồng.
Đáng nói, tiền gửi của dân vào ngân hàng vẫn đang tăng mạnh. 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92% thì 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi dân cư tăng 9,95%. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường BĐS chưa được phục hồi mạnh, người dân vẫn chọn tiết kiệm ngân hàng để bảo toàn tài sản.
Chính vì vậy mà lượng giao dịch và hoạt động doanh nghiệp chưa cải thiện. Khảo sát môi giới BĐS quý 4/2023 của Batdongsan.com.vn cho biết, 43% môi giới được khảo sát cho rằng giao dịch của thị trường vẫn đang giảm mạnh.
Con số này ở quý 3/2023 là 46%, quý 2/2023 là 44%, quý 1/2023 là 54%. Lợi nhuận trước thuế của một số doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn như Nam Long, Khang Điền, Cenland, Novaland, Đất Xanh Group, Phát Đạt cũng giảm mạnh, mức giảm dao động từ 5 đến 97%.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang ghi nhận những điểm sáng tích cực khi giải ngân đầu tư công tính đến tháng 11.2023 đạt 65,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái giải ngân đầu tư công chỉ đạt 58,3%.
Ngoài ra, 2 dự án luật liên quan đến thị trường BĐS là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS được thông qua cũng tạo những tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết bối cảnh hiện tại khiến thị trường BĐS Việt Nam đang và sẽ xuất hiện một số xu hướng. Về phía người mua, họ sẽ đòi hỏi khắt khe hơn về mặt chất lượng và tính pháp lý của các dự án BĐS. Do vậy, các chủ đầu tư cần thuyết phục khách hàng bằng giá trị cốt lõi của sản phẩm, pháp lý rõ ràng, tài chính bền vững, danh tiếng và uy tín.
Ngoài ra, người mua nhà và nhà đầu tư BĐS sử dụng dữ liệu nhiều hơn để đưa ra quyết định. Đó là các dữ liệu có lịch sử nhiều năm về biến động giá, lợi nhuận đầu tư và nguồn cung – cầu. Khi khách hàng nắm nhiều thông tin và trở nên thông thái hơn, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng cần dựa nhiều vào dữ liệu và nghiên cứu thị trường để đưa ra sản phẩm với mức giá phù hợp.