Tín hiệu tích cực trong việc triển khai thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước
Kinhtetrithuc.vn – Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 291029,7 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 7 năm 2023 ước đạt 58536,1 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 28,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 291029,7 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2023, các địa phương trên cả nước đã thực hiện được một số dự án và công trình lớn. Trong đó có thể kể đến Hà Nội, dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá Thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư đạt16293.4 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 716.3 tỷ đồng. Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, tổng mức đầu tư đạt 32910 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 701.8 tỷ đồng. Xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tổng mức đầu tư đạt 2538.2 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 227.1 tỷ đồng. Xây dựng đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục giai đoạn 1, tổng mức đầu tư đạt 7211 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 150.1 tỷ đồng. Xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội, tổng mức đầu tư đạt 1376.5 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 87.1 tỷ đồng.
Quảng Ninh: Đường nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc, tổng mức đầu tư đạt 9425 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 394.9 tỷ đồng. Cầu cửa Lục 3, tổng mức đầu tư đạt 3200 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 364.1 tỷ đồng. Cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên, tổng mức đầu tư đạt 3667 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 342.2 tỷ đồng. Đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng tỉnh Quảng Ninh, tổng mức đầu tư đạt 6416 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 330.7 tỷ đồng. Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng(Km 6+700) đến đường tỉnh 331(giai đoạn 1), tổng mức đầu tư đạt 1492.3 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 157.4 tỷ đồng.
TP. Hồ Chí Minh: Dự án giải phóng mặt bằng đường vành đai 3, tổng mức đầu tư: 11500 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 7824.6 tỷ đồng. Dự án metro Bến Thành Suối Tiên, tổng mức đầu tư đạt 43757.2 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 1047 tỷ đồng. Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM – Giai đoạn 2, tổng mức đầu tư đạt 11132.9 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 780.9 tỷ đồng. Bệnh viện đa khoa thủ Đức, tổng mức đầu tư đạt 1915 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 515.4 tỷ đồng. Dự án đường vành đai 3 (thành phần 2), tổng mức đầu tư đạt 1000 tỷ đồng, ước thực hiện từ đầu năm đến tháng 7 đạt 460.3 tỷ đồng.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Tổng cục Thống kê cho biết, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 cần thực hiện và giải ngân 5 tháng cuối năm là rất lớn (gần 59% kế hoạch), để thực hiện và giải ngân hiệu quả, đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch năm, các Bộ ngành và địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ.
Theo đó, bám sát, quyết liệt triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công như các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng, định giá đất, khai thác tài nguyên khoáng sản (đất san lập, cát, sỏi) …để kịp thời xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân các dự án. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của từng cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.Ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ngoài ra, tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Chủ động rà soát tháo kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm thực hiện sang những dự án thực hiện và giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của bộ ngành, địa phương theo quy định nhằm thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2023.
Các bộ, ngành, địa phương cần phân công các lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Kết quả thực hiện và giải ngân của các dự án sẽ là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của lãnh đạo được phân công theo dõi, chủ đầu tư dự án và cá nhân liên quan.
Chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán giải ngân ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn đến cuối năm.
Theo VnMedia
Xem thêm: